• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Hậu trường thần tốc sửa hai đường băng lớn nhất nước

  • 2021-01-11 08:28:36
  • Cả hai đường băng sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài đều đã hoàn thành việc nâng cấp, sửa chữa theo lệnh “khẩn cấp” của Chính phủ.

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình cùng các đại biểu cắt băng khánh thành đường băng Tân Sơn Nhất

    Những chuyến bay đầu tiên đã hạ cánh an toàn nhưng phía sau dự án đặc biệt quan trọng này có nhiều câu chuyện không phải ai cũng biết.

    Dự án “khẩn cấp”, thi công “thần tốc”

    Đúng 15h30 chiều 10/1, chuyến bay VN1828 của hãng hàng không Vietnam Airlines từ Phú Quốc đã hạ cánh an toàn xuống đường băng 25R tại sân bay Tân Sơn Nhất vừa mới hoàn thành nâng cấp.

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hoà Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể và nhiều đại biểu khi chứng kiến chuyến bay đầu tiên hạ cánh an toàn đã bày tỏ vui mừng khi đường băng 25R đã hoàn thành nâng cấp, đảm bảo an toàn khai thác.

    Dự án nâng cấp đường băng sân bay Nội Bài có tổng mức đầu tư được duyệt 2.031,6 tỷ đồng, được thực hiện theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1, đến nay đã hoàn thành nâng cấp đường cất/hạ cánh 1B cho máy bay Code C nhằm phục vụ hành khách đi lại dịp Tết Nguyên đán năm 2021. Giai đoạn 2, đang tiếp tục thực hiện để đưa công trình vào khai thác trước Tết Nguyên đán năm 2022.

    Cụ thể, sẽ cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh 11L/29R (1A) và đường cất/hạ cánh 11R/29L (1B); xây dựng mới các đường lăn thoát nhanh S3A, S5B, S6B; cải tạo, nâng cấp các đường lăn hiện hữu (S1, S1A, S2, S3, S4, S5, S5A, S6, S7); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu, sơn kẻ tín hiệu…

    Dự án nâng cấp đường băng sân bay Tân Sơn Nhất có tổng mức đầu tư khoảng 2.015,3 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành giai đoạn 1 là nâng cấp đường băng 25R, các đơn vị đang tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 và sẽ hoàn thành cuối năm 2021.

    Theo đó, sẽ tiếp tục xây dựng các đường lăn thoát nhanh (W2A, W4A), đường lăn song song (W11A); xây dựng, cải tạo, nâng cấp các đoạn đường lăn nối (N1, W3, W5, W5A, W7, W9); xây dựng các công trình phục vụ quản lý bay, đèn tín hiệu…

    Trước đó, vào lúc 8h sáng 1/1/2021, chuyến bay VN159 từ Hà Nội đi Đà Nẵng là chuyến bay đầu tiên cất cánh trên đường băng 1B sân bay Nội Bài sau thời gian đường băng này phải tạm đóng cửa để sửa chữa, nâng cấp.

    Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn CHK quốc tế Tân Sơn Nhất, Nội Bài được thực hiện theo lệnh “khẩn cấp” của Thủ tướng Chính phủ. Cuối tháng 6/2020 cả hai dự án mới phát lệnh khởi công, nhưng đích đến là 31/12 hoàn thành để kịp phục vụ người dân đi lại dịp Tết.

    Bộ GTVT đã phải chọn những đơn vị “thiện chiến” nhất trong ngành giao thông hoặc đã từng tham gia những dự án tương tự. Những cái tên được “chọn mặt gửi vàng” là Tổng công ty Xây dựng công trình hàng không (ACC), Tập đoàn Cienco 4, Tổng công ty Trường Sơn, Vinadic, Công ty 647.

    Chỉ 10 ngày sau lệnh khởi công, có dịp vào công trường đường băng 25R sân bay Tân Sơn Nhất, PV Báo Giao thông rất bất ngờ khi tất cả mặt bê tông nhựa của đường băng với chiều dài hơn 3km, rộng 45m, sâu 38cm đã được cào bóc, chứng tỏ đơn vị thi công đã vào cuộc ngay sau khi có lệnh.

    Ông Trần Văn Thi, Tổng giám đốc Tổng công ty Đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long cho biết, lần đầu tiên được giao quản lý một dự án về hàng không nên cũng rất áp lực.

    Một phó Tổng giám đốc Tổng công ty được cử làm giám đốc quản lý dự án, hàng tuần tổ chức họp với tất cả các đơn vị để kịp thời tháo gỡ các khó khăn.

    “Có thời điểm, hơn 500 cán bộ, kỹ sư, công nhân trực tiếp tham gia tại công trường. Tiến độ được theo dõi hàng tuần, nhà thầu nào có dấu hiệu “đuối”, nếu không có phương án khắc phục sẽ điều chuyển khối lượng cho nhà thầu khác làm bù ngay”, ông Thi kể.

    Trong một thời gian ngắn, việc huy động hàng trăm thiết bị, nhân công vào công trường không phải là điều đơn giản. Thượng tá Nguyễn Mai Đô, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty ACC cho biết, ngay từ khi triển khai dự án, ACC đã chọn những nhân sự “tinh nhuệ” đưa vào công trường.

    Tất cả những thiết bị, máy móc hiện đại nhất của Tổng công ty đều được huy động. Với vài trò đứng đầu liên danh tại dự án nâng cấp đường băng 25R Tân Sơn Nhất, ACC còn hỗ trợ cho các nhà thầu khác về thiết bị, nhân lực khi cần thiết để đảm bảo tiến độ chung.

    Chia sẻ với PV Báo Giao thông, ông Đặng Hùng Thái, Giám đốc Quản lý dự án Nội Bài (Ban QLDA Thăng Long) cho biết, dự án sửa chữa, nâng cấp khu bay Nội Bài phức tạp hơn Tân Sơn Nhất khá nhiều do phải sửa cả hai đường 1A và 1B.

    Theo đó, đường băng 1B xuống cấp nặng hơn nên làm trước. Đáng lưu ý, đường băng này nằm phía nhà ga, sân đỗ, máy bay phải lăn qua để đến đường 1A cất cánh. Quá trình thi công, đường băng 1B phải đóng từng phần để đảm bảo vừa thi công nhưng vẫn vừa có lối cho máy bay băng qua để đi sang đường 1A.

    “Tại các điểm giao cắt này, để đảm bảo an toàn tuyệt đối cho các chuyến bay, 24/24h đều có bộ phận chốt trực”, ông Thái nói và nhấn mạnh: Việc thi công phải liên tục cả ngày lẫn đêm nhưng vẫn đảm bảo khai thác an toàn. Những lúc cao điểm, xe công trường đến điểm giao cắt phải chờ đến 1 - 2 tiếng đồng mới có thể đi qua.

    Ông Thái cũng nhìn nhận tiêu chuẩn thi công đường băng khác biệt và cao hơn nhiều so với đường bộ bởi chiều dày bê tông cốt thép trung bình dày 38cm, độ sụt bê tông bằng 0 và phải bằng phẳng, bê tông cũng phải chịu được cường độ áp lực bánh xe xuống nền lớn (khoảng 350MPa) nên không được đổ vào thời điểm nhiệt độ cao mà luôn phải đảm bảo dưới 300C...

    Vượt qua khó khăn, thử thách về thời gian, điều kiện thi công

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dự khánh thành đường băng 25R sân bay Tân Sơn Nhất chiều 10/1

    Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể dự khánh thành đường băng 25R sân bay Tân Sơn Nhất chiều 10/1

    Đại úy Nguyễn Văn Vinh, Phó Chỉ huy Dự án cải tạo, nâng cấp đường cất/hạ cánh, đường lăn sân bay Nội Bài của Tổng công ty ACC cho biết, dự án triển khai trong điều kiện vừa thi công, vừa bảo đảm an toàn khai thác bay nên nhà thầu phải tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn.

    Dịp cao điểm, công trường có tới gần 2.000 nhân sự và cùng với hơn 1.000 máy móc, phương tiện. Do đặc thù phải bảo đảm an toàn bay nên trên công trường không được phép dựng lán trại mà làm ngoài trời 100%.

    “Ngoài việc dự án triển khai theo lệnh khẩn cấp, chúng tôi còn phải đảm bảo đặc thù của một dự án vừa thi công vừa khai thác. Do đó, thời gian triển khai thi công ra sao phải được tính toán hết sức chi tiết, chi li từng giờ, từng phút”, ông Đặng Hùng Thái nói và cho rằng, mỗi một hạng mục thi công phải trình lên Cục Hàng không VN phê duyệt, sau đó nhà thầu mới được triển khai thi công.

    Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, Cục Hàng không VN cũng liên tục phối hợp chặt chẽ với CHK quốc tế Nội Bài, Ban QLDA để căn chỉnh thời gian thi công sao cho dự án vẫn đảm bảo tiến độ nhưng việc khai thác các chuyến bay không bị ảnh hưởng.

    Điển hình như hồi tháng 9, sau thời gian tạm dừng khai thác vì ảnh hưởng của đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Đà Nẵng, các hãng hàng không trong nước khôi phục trở lại các đường bay nội địa, mở thêm đường bay, tần suất bay của các hãng tăng cao trong khi năng lực của sân bay Nội Bài chỉ đảm bảo tối đa 25 lượt chuyến/giờ.

    Để tránh ùn ách tại cảng, Cục Hàng không VN đã rút ngắn thời gian đóng cửa sân bay này, chỉ đóng cửa từ 0h30 - 6h thay vì từ 0h30 - 6h30 trước đó.

    “Chỉ nửa tiếng cũng giúp giải tỏa bớt chuyến bay trong khi không quá ảnh hưởng đến việc thi công, bởi lúc này việc đổ bê tông xi măng đường cất/hạ cánh 11R/29L đang đảm bảo tiến độ đề ra”, đại diện Cục Hàng không VN cho biết.

    Tại sân bay Tân Sơn Nhất, việc bay hiệu chuẩn trước khi đưa vào khai thác đã được lên kế hoạch ban đầu, bởi đội bay hiệu chuẩn có 4 chuyên gia đến từ Cộng hòa Séc.

    Phương án xin phép nhập cảnh, cách ly, tổ chức nơi ăn nghỉ cho tổ bay… đều đã được xây dựng để Sở Y tế TP HCM trình UBND TP HCM cấp phép. Thế nhưng, đầu tháng 10/2020 tại TP HCM bùng phát dịch bệnh Covid-19 lây lan trong cộng đồng khiến việc cấp phép cho đội bay hiệu chỉnh phải rà soát lại.

    Ông Phan Duy Lai, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Cửu Long cho hay, thời gian bay hiệu chuẩn đã cận kề, nhưng kế hoạch kiểm tra y tế cho đội bay hiệu chuẩn vẫn chưa được Sở Y tế TP HCM phê duyệt. Mà nếu chưa bay hiệu chuẩn thì chưa thể chốt được ngày đưa đường băng 25R vào khai thác.

    Sau nhiều lần làm việc, các đơn vị đưa ra các giải pháp đảm bảo an toàn tuyệt đối về công tác kiểm tra y tế, cách ly đối với tổ bay, Sở Y tế TP HCM cũng đã chấp thuận. “Đến nay, sau 20 ngày kể từ ngày cuối bay hiệu chuẩn, cách ly, không có vấn đề gì bất thường về mặt y tế chúng tôi mới thở phào nhẹ nhõm”, ông Lai chia sẻ.

    Theo ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không VN, việc đưa vào khai thác 2 đường băng tại 2 cảng hàng không lớn nhất nước là điều kiện tốt để phục vụ người dân đi lại dịp Tết Nguyên đán.

    Đặc biệt, các đường bằng này sẽ tiếp tục tiếp nhận các tàu Aibus A350, Boeing 787-9 hay 787-10, đáp ứng được nhu cầu khai thác đến năm 2025 dự kiến đạt đến 44 triệu hành khách/năm đối với CHK Nội Bài và 50 triệu hành khách/năm đối với CHK Tân Sơn Nhất.

    Trích: baogiaothong.vn/

    • facebook