• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    QUAN ĐIỂM VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC HÀNG KHÔNG CHẤT LƯỢNG CAO

  • 2020-08-30 23:47:35
  • Sau gần 40 năm xây dựng và đổi mới, ngành Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDDVN) đã đạt được những thành tựu to lớn được lịch sử ghi nhận. Với sự phát triển ở tốc độ cao, đảm bảo an toàn và bền vững. Vai trò, vị thế của ngành ngày càng được nâng cao trong khu vực và trên thế giới. Tuy nhiên, vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực của ngành đóng vai trò quan trọng không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với tất cả các  hãng hàng không trên thế giới.

    Vì vậy, việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành, phù hợp về cơ cấu, đủ năng lực về yêu cầu quản lý, sản xuất kinh doanh theo tiêu chuẩn và thông lệ Quốc tế là vô cùng cần thiết và cấp bách.

    Quan điểm về đào tạo

    Quan điểm về đào tạo là xem đào tạo là một hệ thống bao gồm đầu vào, đầu ra và quá trình đào tạo, vì thế để có đào tạo chất lượng cao cần thiết phải nâng cao toàn diện ở các khâu đầu vào, quá trình đào tạo, đầu ra. Không thể nâng chất lượng đào tạo chỉ đơn thuần một khâu, trong đó cần nhấn mạnh khâu quá trình đào tạo, khâu này hoàn toàn chủ động từ phía các cơ sở đào tạo. Trước hết là giáo viên, chương trình học, cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, nơi thực tập, thư viện và các phương tiện bổ trợ khác như mạng máy tính,…

    Đầu vào (tuyển sinh)

    Là những tiêu chuẩn liên quan đến sinh viên được nhận vào học tại trường đại học, học viện có đào tạo chuyên ngành vận tải hàng không hoặc các chuyên ngành gần với VTHK. Một số nghiên cứu cho thấy số điểm trung bình của thí sinh được nhận vào đại học có tương quan đến số điểm tốt nghiệp, sinh viên với số điểm cao lúc nhập học đại học thường là những sinh viên có xác suất tốt nghiệp đại học cao. Nếu xem điểm thi tốt nghiệp hay điểm tuyển sinh đại học phản ảnh trình độ của học sinh, thì trường có nhiều học sinh giỏi cũng có nghĩa là môi trường học tập được nâng cao, và qua đó tác động tích cực đến chất lượng giáo dục của trường. Tuy nhiên, cũng có lí giải cho rằng chẳng có mối tương quan nào giữa điểm tuyển sinh và điểm tốt nghiệp; do đó, một số trường đại học không xem các điểm này là một yếu tố hay tiêu chuẩn để đánh giá chất lượng giáo dục đại học. Theo quan điểm cá nhân và quan sát qua các trường đào tạo thì sự tương quan là rõ nét.

    Tuyển chọn đầu vào

    Cần có sự ưu tiên trong tuyển chọn sinh viên có điểm thi cao, có quá trình học tập tại các cấp dưới tốt, muốn vậy cần: Quảng bá rộng rãi về chương trình đào tạo qua các hình thức như quảng cáo, tổ chức giới thiệu tuyển sinh; Hạn chế số lượng đầu vào, không tiếp nhận ồ ạt, có nghĩa là đặt yêu cầu điểm chuẩn cao; Nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ học tập, xây dựng chính sách ưu đãi tài chính, huy động nguồn lực tài chính từ các Hãng hàng không (nguồn nhân lực cho các cơ sở này), của nhà nước nhằm thu hút sinh viên chất lượng cao.

    Quá trình đào tạo

    Quá trình đào tạo là khâu cơ bản nâng cao chất lượng đào tạo cần có sự nhận thức rõ về sự khác biệt và mối liên hệ giữa công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực vận tải  hàng không để từ đó có chính sách quy hoạch và phát triển các cơ sở đào tạo và huấn luyện nhân lực vận tải hàng không mang tính tổng thể. Theo đó, các cơ sở đào tạo lao động vận tải HK các cấp học sẽ tập trung đào tạo mang tính toàn diện, với những kiến thức và kỹ năng tổng quát để cấp bằng theo hệ thống giáo dục quốc dân, đồng thời kết hợp với huấn luyện nghiệp vụ HK. Còn các cơ sở huấn luyện lao động hàng không tại các DN sẽ tập trung vào huấn luyện nghiệp vụ, huấn luyện nghề nghiệp và công việc theo đặc thù công nghệ tại DN mình.

    Đầu tư cho việc trang thiết bị thực hành, phát triển đội ngũ giáo viên cho các nghề nhân lực đặc thù chuyên ngành HK đòi hỏi rất lớn, trong khi đó nhân lực chuyên ngành lại mang tính hẹp, đặc biệt là chuyên ngành vận tải Hàng không, với tính chất như vậy bản thân các cơ sở đào tạo khó có thể tự đầu tư được nên Nhà nước cần xác định hỗ trợ xây dựng đội ngũ giáo viên VTHK cùng với các chuyên ngành HK khác và coi như trọng điểm để đầu tư.

    Cần gắn kết giữa đào tạo với huấn luyện và thực hành, đồng thời tăng cường liên kết giữa cơ sở đào tạo nhân lực hàng không với các DN hàng không nhằm đưa đào tạo sát với nhu cầu xã hội, gắn lý thuyết với thực tế và tận dụng thế mạnh của nhau trong việc đào tạo và huấn luyện nhân lực hàng không. Theo đó các DN với vai trò là những nhà tuyển dụng cần có kế hoạch và tiêu chuẩn tuyển dụng nhân lực ngắn hạn, trung hạn, dài hạn để cơ sở đào tạo lập kế hoạch và tiêu chuẩn tuyển sinh, đào tạo và xây dựng chuẩn đầu ra cho phù hợp.Tăng cường sự gắn kết chặt chẽ giữa cơ sở đào tạo với các DN trong ngành trong việc đào tạo và sử dụng lao động, cũng như giữa đào tạo kiến thức chung với huấn luyện thực tế tại các DN trong ngành; Với các hình thức đào tạo theo địa chỉ, ký kết các thỏa thuân giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp sử dụng lao động. Với các hình thức thực tập tại các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp cần coi đây là nhiệm vụ phát triển của mình, muốn có nguồn nhân lực chất lượng cao thì phải tham gia từ khâu đào tạo.

    Xây dựng chương trình học phù hợp, trong giai đoạn trước mắt, cần tăng cường sự liên kết giữa Học viện HKVN, Khoa kinh tế vận tải nghành Kinh tế Vận tải HK – ĐHGTVT Hà nội với Cục HKDDVN, Tổng công ty HKVN và các Hãng hàng không khác, các doanh nghiệp, đơn vị đào tạo trong việc xây dựng chương trình nội dung đào tạo, chương trình thực tập và tiếp cận thực tiễn. Cần bổ sung cho phù hợp tỷ lệ nội dung ngành học cho hợp lý. Môn học các hệ thống thông tin, tin học trong vận tải hàng không đã trở thành kiến thức thiết yếu trước khi bước vào làm việc, vì vậy càn bổ sung vào chương trình đào tạo. Chương trình ngoại ngữ cần nâng cao nhằm cung cấp khả năng giao tiếp làm việc trong môi trường quốc tế.

    Nâng cao hiệu quả việc liên kết với các DN trong ngành, các cơ sở đào tạo,  tăng cường hợp tác với nước ngoài trong công tác đào tạo và huấn luyện nhân lực vận tải hàng không nhằm đào tạo nhân lực hàng không theo chương trình lượng cao, đồng thời tiếp thu những chương trình tiên tiến, chuyển giao công nghệ và cơ sở thực hành, phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên. Cần có cơ chế thu hút các chuyên gia vận tải hàng không và các chuyên ngành liên quan (giáo viên, giáo viên thỉnh giảng, và các hình thức khác) nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên.Nâng cao kiến thức của đội nguc giáo viên, coi trọng kinh nghiệm thực tế và cập nhật công nghệ mới của đội ngũ giáo viên chuyên ngành.

    Đầu ra (nguồn nhân lực)

    Là những tiêu chuẩn phản ảnh tình trạng của sinh viên sau khi tốt nghiệp: Một là đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của cá nhân về tri thức, để họ có thể tự khai thác tiềm năng của mình và cống hiến lại cho xã hội; hai là cung cấp cho xã hội một lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, cần thiết cho sự tăng trưởng và giàu mạnh của một nền kinh tế hiện đại; ba là khai hóa xã hội, hướng dẫn dư luận, góp ý về đường lối và chính sách của nhà nước; và bốn là thu thập hay sáng tạo ra kiến thức qua nghiên cứu và chuyển giao những kiến thức này đến xã hội. Vì thế, “sản phẩm” chính của đào tạo bậc đại học Vận tải KH là sinh viên tốt nghiệp với trình độ chuyên môn cao có thể làm việc tốt tại các Hãng hàng không trong và ngoài nước, các cơ sở dịch vụ hàng hóa, Logistic, làm việc tại các sân bay, các cơ quan quản lý vận tải của Cục hàng không, Bộ GTVT.

    Chất lượng đào tạo quyết định đầu ra của hệ thống đào tạo, chất lượng tốt sẽ thu hút các nhà tuyển dụng lao động. Tuy nhiên cần nhìn nhận thấy nhu cầu lao động chuyên ngành vận tải hàng không và số lượng đào tạo tại các cơ sở đào tạo, đây là bài toán của cơ sở đào tạo và doanh nghiệp vận tải hàng không, các nhà hoạch định chính sách. Cần xây dựng mô hình dự báo nhu cầu phát triên vận tải hàng không và từ đó xây dựng yêu cầu nguồn nhân lực dẫn đến yêu cầu đào tạo. Tăng cường liên kết các Hiệp hội Hàng không nhằm tăng cường mối liên hệ giữa đào tạo và nhu cầu thực tiễn, là kênh phản hồi hiệu quả chất lượng đào tạo và nội dung đào tạo./.

    Nguồn ảnh bìa: tvhkvietnamairlines/

    Truyền thông VNAS.

    • facebook