• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Bộ Giao thông Vận tải: IPP Air Cargo sẽ vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng

  • 2022-04-07 10:16:07
  •  Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa có văn bản trình Thủ tướng về việc cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không hàng hóa (Giấy phép) cho Cty CP IPP Air Cargo (IPP Air Cargo).

    •  
    •  
    •  
    •  

    Bộ GTVT đề xuất cho IPP Air Cargo vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. (Hình minh họa)Bộ GTVT đề xuất cho IPP Air Cargo vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. (Hình minh họa)

    Bộ GTVT cho rằng, việc xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép cho IPP Air Cargo là phù hợp, cần thiết để đảm bảo việc triển khai theo định hướng của Thủ tướng về phát triển dịch vụ vận tải và GTVT hàng không.

    Chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa chuyên dụng

    Bộ GTVT cho biết, từ năm 1991, khi hoạt động vận chuyển hàng không dân dụng chính thức tách ra khỏi quân đội, tổng vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không tại Việt Nam đạt 18.384 tấn.

    Qua hơn 30 năm phát triển, thị trường vận tải hàng hoá Việt Nam đã có bước tăng trưởng nhảy vọt với sản lượng năm 2021 đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng gần 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019; đạt tốc độ tăng trưởng bình quân trung bình cả thời kỳ 1991-2022 là 15,3%/năm.

    Dù thị trường có sự tăng trưởng ổn định nhưng cho đến nay, hàng không Việt Nam với 5 hãng Vietnam Airlines (bao gồm VASCO), Vietjet Air, Pacific Airlines, Bamboo Airways và Vietravel Airlines vẫn chỉ khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách, chưa có hãng hàng không vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

    Trong khi đó, tại thời điểm hiện tại, thị trường hàng hoá quốc tế của hàng không Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài khai thác tàu bay chuyên chở hàng hóa từ 16 quốc gia, vùng lãnh thổ đến Việt Nam.

    Bên cạnh đó, thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở hành khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh, trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt từ 3-4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5-6 lần so với trước dịch COVID-19.

    Ví dụ, giá cước vận chuyển hàng hóa từ các cảng hàng không tại châu Á đi Hoa Kỳ trước dịch trong khoảng 1,0 đến 1,8 USD/kg nhưng nhiều thời điểm trong năm 2020 và 2021 lên tới 8 USD/kg đến 10 USD/kg, thậm chí có thời điểm lên đến 17-18 USD/kg từ Việt Nam đến Hoa Kỳ.

    Được biết, trong giai đoạn dịch bệnh, do phần lớn đội tàu bay vận chuyển hành khách phải dừng khai thác, các hãng hàng không Việt Nam đã hoán đổi 9 tàu bay chở khách sang chở hàng theo hình thức tháo ghế hành khách để chở hàng trên khoang.

    Tuy nhiên, Bộ GTVT cho rằng, do đặc thù các tàu bay này vẫn chia khoang hành khách và hàng hóa riêng nên dù tháo ghế thì tàu bay vẫn chỉ vận chuyển được các kiện hàng nhỏ (do chuyển qua cửa hành khách), không thể vận chuyển các khối hàng lớn như các tàu bay chuyên dụng để vận chuyển hàng hóa (toàn bộ thân tàu bay là không gian chung rộng rãi, không bị chia khoang, có cửa rộng để đưa các khối hàng lớn vào thân tàu bay).

    Cần có tàu bay chuyên dụng vận chuyển hàng hóa

    Trước thực trạng đó, Bộ GTVT cho rằng, việc xem xét hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận chuyển hành không vận chuyển hàng hóa cho IPP Air Cargo là phù hợp, cần thiết để đảm bảo việc triển khai theo định hướng của Thủ tướng về phát triển dịch vụ vận tải và GTVT hàng không.

    Theo Bộ GTVT, với thị trường vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, hiện có 5 hãng hàng không Việt Nam khai thác vận chuyển hàng hoá kết hợp trên chuyến bay chuyên chở hành khách và chưa có hãng hàng không chuyên vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng.

    Tại Quyết định 318/QĐ-TTg ngày 04/3/2014 của Thủ tướng thì sẽ phát triển đội tàu bay chở hàng hóa khoảng 8-10 chiếc như vậy việc thành lập hãng hàng không chuyên biệt vận tải hàng khóa là phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến 2020, tầm nhìn 2030.

    Qua quá trình thẩm định, Bộ GTVT cho biết, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép của IPP Air Cargo đầy đủ, đáp ứng các quy định về vốn, phương án đảm bảo có tàu bay khai thác và tổ chức bộ máy đảm bảo khai thác tàu bay, đủ điều kiện để được xem xét cấp giấy phép.

    Căn cứ Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2006, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hàng không dân dụng Việt Nam 2014, Bộ GTVT đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép Bộ GTVT cấp Giấy phép cho IPP Air Cargo như các nội dung đã nêu trong hồ sơ xin cấp Giấy phép theo quy định pháp luật hiện hành.

    CP IPP Air Cargo ra đời nhằm mang lại dịch vụ vận tải hàng hóa chuyên biệt và chất lượng cho khách hàng, góp phần thúc đẩy sự phát triển ngành logistics Việt Nam phù hợp với các mục tiêu phát triển tổng thể và chiến lược chung phát triển dịch vụ vận tải đến 2020, tầm nhìn đến 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt.

    Bên cạnh đó, sự tham gia của Việt Nam vào “Bầu trời mở ASEAN” - hiệp định về tự do hóa vận tải hàng không có hiệu lực từ 2015 giúp xóa bỏ kiểm soát giá cước, tần suất và khả năng thực hiện các chuyến bay trong khu vực, tăng cạnh tranh và sự lựa chọn cho hành khách.

    Điều này tạo nhiều cơ hội cho IPP Air Cargo mở rộng thị trường, hội nhập trong khu vực và nâng cao khả năng cạnh tranh của hãng; tạo ra một nguồn thu hút ngoại tệ cho đất nước từ điểm đến các hubs quốc tế sẽ tạo nên thông thương hàng hóa và tạo nhiều cơ hội phát triển kinh tế địa phương; tạo điều kiện cho các hãng hàng không Việt Nam cùng phát triển, đẩy mạnh khai thác thị trường vận chuyển hành khách, hàng hóa nội địa và quốc tế.

    Cty IPP Air Cargo được Sở KH&ĐT TP HCM cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu số 0316740360 ngày 10/3/2021 với ngành nghề kinh doanh chính là vận tải hàng hóa hàng không với số vốn điều lệ 300 tỷ đồng. Kế hoạch khai thác của IPP Air Cargo là tàu bay tầm ngắn thân hẹp B737-800F và tàu bay tầm trung thân rộng B777F. Trong năm đầu tiên, Cty dự kiến khai thác 5 tàu bay thuê khô (3 tàu bay B737-800F, 2 tàu bay B777F) và số lượng tàu bay sẽ tăng dần theo từng năm, đến năm khai thác thứ 5 tổng số tàu bay là 10 chiếc (7 tàu bay B737-800F, 3 tàu bay B777F).

    Bùi Anh

    Nguồn: baophapluat.vn

    • facebook