• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Mây đen vẫn phủ bóng lên hàng không toàn cầu

  • 2022-04-13 14:19:24
  •  Giới chuyên môn cho rằng việc giá nhiên liệu tăng phi mã, tình trạng thiếu nhân lực trầm trọng và căng thẳng địa chính trị leo thang tại nhiều vùng lãnh thổ sẽ là những mối đe dọa chính với ngành hàng không toàn cầu trong năm nay.

    Mây đen vẫn phủ bóng lên hàng không toàn cầu

    Mây đen vẫn phủ bóng lên hàng không toàn cầu

    Làn sóng phá sản vì Covid-19

    Đại dịch Covid-19 đã khiến các hãng bay trên thế giới trải qua hai năm tài chính tồi tệ khi vừa phải cắt giảm hoặc ngừng hẳn các chuyến bay vừa phải chi trả các chi phí cố định như duy tu bảo dưỡng máy bay, bến bãi, nhân sự... cùng các khoản vay khổng lồ khi mua mới hoặc thuê lại các máy bay từ trước đó. Nhiều hãng hàng không phải “thoi thóp” hoạt động, thậm chí phá sản.

    Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) ước tính các hãng bay trên toàn cầu thua lỗ hơn 200 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2022. Con số này gần như xóa sạch lợi nhuận của họ trong 9 năm trước đó, cũng là lần đầu tiên ngành hàng không phải đối mặt với tình trạng này kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 – 2009.

    Nếu không có hỗ trợ tài chính từ các chính phủ (ước tính khoảng 173 tỷ USD), ngành hàng không đã phải chứng kiến làn sóng phá sản ồ ạt. Tại một số quốc gia như Hà Lan, Pháp hay Singapore… chính phủ tung ra hàng loạt các gói hỗ trợ bằng hình thức cho vay trực tiếp hoặc bảo lãnh cho vay. Tuy nhiên, điều này lại không diễn ra ở nhiều nơi khác, khiến các hãng bay kiệt quệ tài chính phải triển khai tái cấu trúc theo quyết định của tòa án hoặc làm việc trực tiếp với các chủ nợ.

    Hồi đầu tháng 9/2021, hãng hàng không lâu đời nhất châu Á là Philippines Airlines đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản tại Mỹ để cắt giảm 2 tỷ USD tiền nợ. Tại thời điểm đó, hãng đã phải hủy hơn 80.000 chuyến bay và sa thải hơn 2.000 nhân viên.

    Trước Philippines Airlines, đã có hàng chục hãng hàng không trên toàn cầu tuyên bố phá sản hoặc phải dừng hoạt động vĩnh viễn do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, trong đó có những cái tên nổi bật như Thai Airways (Thái Lan), Virgin Australia (Úc), AirAsia Japan (Nhật Bản), Norwegian Air (Na Uy), Cathay Dragon (Hong Kong)...

    Vận chuyển hàng hóa là “phao cứu sinh”

    Trong khi doanh thu từ vận tải hành khách sụt giảm nghiêm trọng thì vận chuyển hàng hóa được cho là điểm sáng duy nhất của ngành hàng không ở thời điểm mua sắm trực tuyến bùng nổ do đại dịch. Tổng giám đốc IATA Willie Walsh cho biết dù vận chuyển hàng hóa không thể bù đắp hoàn toàn doanh thu mất đi từ vận tải khách, nhưng đây là yếu tố quan trọng giúp các hãng bay duy trì mạng lưới vận tải quốc tế của mình, thậm chí còn được xem là “yếu tố sống còn”.

    Với nhu cầu giao hàng vật tư y tế như khẩu trang, máy thở, cùng với sự xuất hiện của vắc xin, lưu lượng hàng hóa qua đường hàng không đã lên tới mức cao nhất lịch sử trong những tháng đầu năm 2021. Nhờ nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng máy bay tăng mạnh, nhiều hãng hàng không châu Âu đã giảm thiểu được tổn thất, thậm chí còn ghi nhận tăng trưởng.

    Lưu lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng không trong năm 2021 đã tăng 18,7% so với năm 2020 và tăng 7% so với năm 2019 (thời điểm trước dịch), trở thành nguồn thu quan trọng hiện nay cho các hãng hàng không.

    Ông Brandon Fried, Giám đốc điều hành của Hiệp hội Vận chuyển hàng không (Airforwarders Association), cho biết nhu cầu vận chuyển hàng tăng nóng đến mức những máy bay chở khách chuyển sang chất đầy thùng hàng trên ghế ngồi và trong khoang hành lý. Nhiều hãng hàng không cũng lập tức chuyển đổi loạt máy bay chở khách cũ thành máy bay vận chuyển hàng hóa. Nếu trước đại dịch, vận chuyển hàng hóa chỉ chiếm từ 10% - 15% doanh thu toàn cầu của ngành hàng không thì vào giai đoạn cao điểm của đại dịch, con số này đã tăng tới hơn 30%.

    Do nhu cầu tăng cao, giá cước vận tải hàng hóa bằng hàng không ước tính đã tăng khoảng 30% trên mỗi kg. Một số hãng hàng không đã công bố doanh thu từ vận chuyển hàng hóa đạt mức kỷ lục, ngay cả khi vẫn báo cáo mức lỗ lớn. Vận chuyển hàng hóa đã giúp hãng hàng không giá rẻ SpiceJet Ltd của Ấn Độ, công ty nằm trong danh sách có nguy cơ phá sản năm 2020, có lãi trở lại trong quý IV/2021.

    Ác mộng vẫn chưa qua

    Tiếp nối đà phục hồi trong năm 2021, ngành hàng không toàn cầu bước sang năm 2022 với sự lạc quan về triển vọng phát triển. Cirium, một tổ chức phân tích hàng không toàn cầu có trụ sở tại London (Anh), mới đây dự báo ngành hàng không toàn cầu sẽ tăng trưởng 47% trong năm nay. Trong đó, du lịch hạng phổ thông và cao cấp trên các tuyến quốc tế sẽ phục hồi với tốc độ tương tự năm 2021, lưu lượng hành khách quốc tế dự kiến sẽ phục hồi 2/3 so với mức trước đại dịch. Triển vọng vận tải hàng hóa được kỳ vọng tiếp tục là điểm sáng cùa ngành hàng không, không chỉ trong năm 2022 mà trong vài năm tới.

    Tuy nhiên, giới chuyên môn cảnh báo rằng mây đen vẫn phủ bóng lên ngành hàng không trong năm nay. Giá nhiên liệu máy bay đã tăng mạnh trong tháng 2 và tháng 3 trong bối cảnh giá dầu thô liên tục lập đỉnh do lo ngại thiếu hụt nguồn cung. Điều này khiến các hãng không vừa bị đại dịch làm cho tê liệt lại tiếp tục gồng mình bởi phụ phí nhiên liệu và nhiều chi phí khác tăng vọt.

    Một nhà kinh doanh nhiên liệu bay có trụ sở tại Singapore cho rằng du lịch bằng đường hàng không trong thời gian tới sẽ trở nên đắt đỏ hơn bởi giá nhiên liệu máy bay tăng sẽ tác động lớn tới giá vé máy bay. Thêm vào đó, trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng khiến lạm phát kéo dài, hầu bao của hầu hết mọi người đều vơi đi, thu nhập khả dụng cũng ít đi khiến việc bỏ tiền cho các chuyến bay đắt đỏ sẽ trở nên hạn chế.

    Việc không phận một số vùng bị đóng do xung đột Ukraine cũng sẽ khiến ngành hàng không quốc tế càng thêm khó khăn. Một số hãng hàng không hoạt động giữa châu Âu và châu Á đã phải định tuyến lại các chuyến bay để bỏ qua không phận của Ukraine và Nga, dẫn đến tăng thời gian bay và chi phí nhiên liệu cao hơn. Trong khi đó, việc đóng cửa không phận và hủy bỏ các chuyến bay cũng đã tác động đến hoạt động vận chuyển hàng hóa.

    Vấn đề nhân sự cũng tiếp tục là thách thức trong bối cảnh một lượng lớn nhân viên lành nghề đã phải nghỉ việc khi các hãng hàng không buộc phải tái cơ cấu để ứng phó khó khăn. Việc thiếu nhân sự có nguy cơ làm suy yếu sự phục hồi của ngành hàng không vừa có chút động lực khi các nền kinh tế nới lỏng các biện pháp chống dịch.

    Bên cạnh những tác động tiêu cực, nhiều chuyên gia cho rằng ở một góc độ nào đó đại dịch Covid-19 đã mang lại cơ hội tốt, giúp ngành hàng không thực hiện cuộc giải phẫu hoàn toàn bằng việc tái cơ cấu và có những điều chỉnh mang tính chiến lược nhằm thích ứng với mọi thách thức.

    Minh Đăng

    Nguồn: vietnamfinance.vn

    • facebook