góc chia sẻ
Chuyện “hậu trường” của phi công
Đằng sau cần điều khiển máy bay và các nút bấm là vô số những chuyện “hậu trường” ít người biết về nghề “lái chim sắt”…
Cơ trưởng Vietnam Airlines trong khoang lái
Phía sau bộ đồng phục phi công
Không chỉ cần kỹ thuật cao, kỹ năng xử lý tình huống giỏi, người phi công còn phải tuân theo vô số những nguyên tắc riêng để đảm bảo có được chuyến bay thuận lợi nhất cho hành khách. Trước một ngày việc mới, trước guồng quay hối hả của công việc sẽ là những chuẩn bị rất kỹ lưỡng từ việc… mặc đồng phục.
Theo yêu cầu, các phi công sẽ có mặt tại máy bay 1 tiếng trước giờ cất cánh dự kiến theo lịch điều độ của hãng hàng không. Chính vì thế, các phi công sẽ chuẩn bị từ rất sớm ở nhà. Các vật dụng cá nhân cần thiết, bộ đồng phục chỉn chu thể hiện tính chuyên nghiệp của họ trong chính công việc của mình.
Là người chỉ huy, chịu trách nhiệm chính về chuyến bay, cơ trưởng sẽ là người quán xuyến cả những công việc mang tính thủ tục nhất để chuẩn bị cho chuyến bay. Vừa tới phòng chuẩn bị bay, dù là cơ trưởng của hãng hàng không nào, họ cũng sẽ phải kiểm tra các tài liệu chuyến bay, bao gồm các thông tin về số lượng hành khách, hàng hoá, tình trạng trang thiết bị, kỹ thuật máy bay để quyết định lượng nhiên liệu cần nạp.
Tiếp đó, chính họ cũng sẽ là người phải kiểm tra trực tiếp bên ngoài máy bay. Khi xác nhận tình trạng kỹ thuật được đáp ứng được yêu cầu, cơ trưởng sẽ vào buồng lái, nạp dữ liệu chuyến bay (số hiệu chuyến bay, hành trình bay, giờ khởi hành, giờ hạ cánh…) vào máy tính. Những công việc chuyến bay nào cũng thực hiện lặp đi lặp lại, nhưng các cơ trưởng vẫn sẽ hoàn thành nó với một sự chú tâm và cẩn trọng nhất và sẽ không bỏ qua bất kỳ một công đoạn nào. Bởi đó chính là một phần đảm bảo an toàn cho mỗi lần cất cánh.
Đồng phục là vật dụng bắt buộc của các phi công mỗi khi lên đường làm nhiệm vụ.
Sau đó, tất cả các thành viên phi hành đoàn tập trung tại khoang hành khách để họp, thống nhất các thông tin về hành trình bay trước khi đón khách lên. Trong khi tiếp viên nở những nụ cười tươi vui đón khách ở khoang hành khách thì 2 phi công phải cùng nhau mở tài liệu kỹ thuật và vận hành các thao tác trong buồng lái. Quy trình sẽ là một người hô đầu việc, một người vừa hô đáp lại vừa thực hiện theo để đảm bảo có sự kiểm tra chéo lẫn nhau.
Ngay khi tiếp viên kiểm tra và thông báo tất cả cửa máy bay đã đóng và khoá lại, phi công xin huấn lệnh bay, nổ máy, ra đường lăn và lên đường băng để cất cánh. Lúc này sẽ là thời điểm của sự chuẩn xác và phối hợp chặt chẽ cùng đài không lưu bởi mọi công đoàn đều phải xin huấn lệnh của bộ phận này.
Những giây phút tạm nghỉ ngơi của phi công là lúc máy bay đã bay ổn định trên trời cao. Trong trạng thái “bay bằng”, tổ bay tắt đèn báo thắt dây an toàn ở khoang hành khách. Nhưng nghỉ ngơi không có nghĩa là duỗi dài để thư giãn. Trong cả hành trình, nếu xảy ra bất cứ tình huống nào ảnh hưởng đến an ninh, an toàn bay, phi công là những người đứng mũi chịu sào, đưa ra phương án giải quyết chính xác, hiệu quả. Bản lĩnh của một phi công giỏi có khi được thể hiện trong những quyết định chỉ được tính bằng giây.
Các dữ liệu kỹ thuật được kiểm tra kỹ lưỡng bởi hai phi công trước khi máy bay cất cánh.
Khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, mọi việc vẫn cần đúng theo một quy trình đảm bảo khi cả tổ lại tiếp tục họp với nhau một lần nữa cho một kịch bản hạ cánh hoàn hảo rồi mới giảm độ cao vào tiếp cận hạ cánh. Tuỳ vào điều kiện thời tiết và quy định của mỗi hãng hàng không, việc hạ cánh có thể được chuyển sang chế độ tự động hoặc do phi công thực hiện.
Một chuyến bay an toàn được thực hiện, tiếp viên trưởng thay mặt tổ bay gửi lời chào tốt đẹp đến hành khách, mọi người cùng hối hả với những dự định của mình ở điểm đến mới. Nhưng những người phi công vẫn chưa kết thúc công việc. Họ sẽ ở lại ghi chép lại thông tin máy bay vào sổ kỹ thuật và ghi chép lại các thông tin khai thác, bàn giao máy bay cho thợ máy và giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh liên quan đến hành khách trên chuyến bay mình vừa chuyên chở.
Lực lượng Đoàn bay 919 vận chuyển bộ đội chi viện cho các chiến trường.
Những phi công trưởng thành từ quân đội
Nhìn vào lực lượng phi công của Việt Nam, rất nhiều trong số nhân sự chủ chốt của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines trưởng thành từ quân đội. Tiền thân của Đoàn bay 919 của hãng hiện tại là Trung đoàn Không quân vận tải 919 (Cục Không quân, Bộ Quốc phòng), được thành lập ngày 1/5/1959 cùng với sự ra đời của tuyến đường Trường Sơn. Trong kháng chiến, Đoàn bay 919 vận chuyến vũ khí, đạn dược, đảm bảo an toàn tuyệt đối và kịp thời phục vụ chiến đấu cho các chiến trường. Tự hào hơn nữa, chính những phi công thế hệ đầu tiên của Việt Nam tại đoàn bay này đã đưa Bác Hồ về thăm quê hương sau hơn 50 năm xa cách, chở phái đoàn đàm phán của ta sang Pháp ký Hiệp định Paris…
Đoàn bay 919 trở thành lực lượng nòng cốt của hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, đảm trách nhiệm vụ vận chuyển hành khách, hàng hoá phục vụ tăng trưởng kinh tế đất nước.
Những người anh hùng năm xưa tiếp tục nghề bay với vị trí là người thầy cho lớp phi công trẻ của Vietnam Airlines, phục vụ cho sự phát triển của ngành hàng không nước nhà.
Trong bối cảnh thị trường hàng không dân dụng phát triển nhanh, những người lính không quân ngày ấy bây giờ vẫn tiếp tục gắn bó với bầu trời, với những cánh bay. Lòng yêu nước, tinh thần quả cảm của người lính được chuyển tải thành những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật tiết kiệm nhiên liệu, vượt qua khó khăn, ổn định hoạt động kinh doanh và duy trì tăng trưởng vững chắc của Vietnam Airlines nói riêng, của ngành hàng không nói chung.
Bước vào một nghề vẫn được coi là phải học tập cả đời như phi công, “những người lính trẻ” của Đoàn bay 919 sẵn sàng làm chủ các phương tiện mới, hiện đại nhất hiện nay như dòng máy bay A350-900 và Boeing 787-9. Đây là bước tiến quan trọng trong các kế hoạch mở rộng phát triển của hãng hàng không quốc gia.
Hãng hàng không nào cũng xác định phi công là lực lượng lao động kỹ thuật cao. Nhưng không chỉ cống hiến bằng tài năng, họ còn cần dành cả tâm trí, tình yêu và cả nhiệt huyết bên những “chú chim sắt” để những cánh bay Việt Nam tự hào sải cánh ra thế giới.
Nguồn: https://www.bayviet.com.vn/
Bài viết liên quan
Vnas - Giấc mơ có thật
2020-03-19 21:32:06
Tiếp viên hàng không và Nụ Cười Tỏa Nắng
2020-03-19 22:14:08
Những lầm tưởng về yêu cầu sức khỏe Phi công dân dụng
2020-03-19 22:55:10
Tiếp viên hàng không “Nghề trong nghề”
2020-03-24 11:42:43
Điểm tin Hàng không
Tin mới
- KHÔNG PHẢI HÔM NAY THÌ LÀ KHI NÀO? BÙI NGỌC HUYỀN - HỌC VIÊN 2005 TRÚNG TUYỂN AN NINH HÀNG KHÔNG NGAY SAU KHI TỐT NGHIỆP THPT!(2024-12-05 09:29:44)
- VĂN PHÒNG TUYỂN SINH QUẢNG TRỊ ĐẨY MẠNH HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ CHO HỌC SINH THPT(2024-12-02 14:58:38)
- CHƯƠNG TRÌNH ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT QUANG THÀNH(2024-12-02 14:16:44)
- HỌC SINH TRƯỜNG THPT NAM SÁCH TIẾP CẬN CƠ HỘI NGHỀ HÀNG KHÔNG(2024-11-25 10:35:50)
- VNAS ĐÓN NHẬN CHỨNG NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ISO 9001:2015(2024-11-20 15:22:31)
- TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP, CHỌN NGHỀ CHO HỌC SINH THPT PHAN BỘI CHÂU(2024-11-13 19:42:17)
- VĂN PHÒNG TUYỂN SINH HẢI DƯƠNG HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU(2024-11-08 22:39:01)
- TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT VŨ NGỌC PHAN(2024-11-07 20:15:48)
- VIETJET TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN THÁNG 12/2024(2024-11-06 10:31:45)
- 5 MẸO ĐỂ TỰ TIN TRONG BUỔI PHỎNG VẤN(2024-10-28 13:14:05)
Copyright © 2020 CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM