• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    “Ngành hàng không đã chọn mình”

  • 2020-12-03 08:59:49
  • …Bố Đạt là một phi công lái máy bay quân sự và sau đó cũng chuyển sang hoạt động trong ngành hàng không dân sự cho nên từ nhỏ Đạt đã được tiếp xúc nhiều với các chú, các bác phi công và cũng từ đó anh yêu thích công việc phi công từ lúc nào không biết. “Từ bé, mình nhìn ngành hàng không với cả hai thái cực, một là sự hào nhoáng mà mọi người vẫn thấy của việc điều khiển những cỗ máy hiện đại đi nhiều nơi thú vị, và hai là cả những khó khăn vất vả cùng sự đánh đổi của một nhân sự làm trong ngành. Mình hay nói với bạn bè là ngành hàng không đã chọn mình”, Đạt cho biết.

    Kế hoạch ban đầu của Đạt sau khi tốt nghiệp cấp THPT là sẽ nộp nguyện vọng vào một trường đại học. Nhưng khi đậu nguyện vọng vào trường ĐH Ngoại thương thì cơ hội trở thành phi công cũng đồng thời lại đến với Đạt. “Khi ấy, hãng hàng không trong nước Jetstar Pacific bắt đầu tuyển sinh khóa đào tạo phi công tại New Zealand, bố bảo mình cứ thử. May mắn là mình trúng tuyển. Mình đã trải qua một giai đoạn đau đầu giữa lựa chọn chớp lấy thời cơ quý giá hay bỏ lỡ nó để tiếp tục học đại học. Và cuối cùng thì mình đã nghĩ, việc mong muốn đậu đại học có lẽ xuất phát phần nhiều từ việc khẳng định mình nhiều hơn là việc chọn một nghề thực sự yêu thích và đam mê. Cùng với những thế mạnh khác về ngành hàng không, mình quyết định theo học khóa đào tạo phi công. Và từ đó mình lên đường đi New Zealand theo học khóa phi công cơ bản”, Đạt nhớ lại.

    Những năm tháng khổ luyện ở xứ người

    Trong khoảng thời gian gần hai năm học phi công cơ bản, Đạt đã phải học một khối lượng kiến thức “khủng” về điều kiện khí tượng, thời tiết, hoạt động của các hệ thống máy móc thiết bị, các yếu tố liên quan đến thể chất và tâm lý con người có thể ảnh hưởng tới khả năng điều khiển máy bay, khả năng lãnh đạo và hoạt động nhóm, các bước đưa ra quyết định hiệu quả chính xác, luật hàng không quốc tế… Và tất cả đều bằng học bằng tiếng Anh. “Lý thuyết chỉ chiếm 10-20% thời lượng, còn lại là thời gian thực hành. Trong khoảng thời gian hai năm, bọn mình phải trải qua ba kỳ thi năng lực và hàng trăm giờ bay lấy kinh nghiệm. Mình không có thời gian cho các kỳ nghỉ Hè hay nghỉ lễ”, Đạt chia sẻ.

    Những chuyến bay đầu tiên đã để lại nhiều ấn tượng trong Đạt.

    New Zealand là nơi lần đầu tiên Đạt chạm vào cần điều khiển máy bay và cũng là lần đầu tiên Đạt bay những chuyến bay đơn ngồi một mình trên bầu trời, lần đầu tiên Đạt phải học kiến thức giảng dạy bằng tiếng Anh, lần đầu tiên Đạt xa nhà trong một khoảng thời gian dài… “Với rất nhiều “lần đầu tiên”, mình trân trọng hai năm sinh sống và học tập ở đây vì nó cho mình một nền tảng vô cùng vững chắc cho sự nghiệp của mình sau này và vị trí hiện tại của mình”, Đạt bộc bạch.

    Đạt đã từng đi rất nhiều nơi trên thế giới nhưng với Đạt, người dân New Zealand là một trong những con người thân thiện và mến khách nhất mà anh bạn từng gặp. Nhớ lại kỉ niệm những năm sống tại New Zealand Đạt chia sẻ: “Với một cậu trai 19 tuổi lần đầu đi du học, sự tử tế của những con người ở đây là điều mà tới giờ mình vẫn cảm thấy biết ơn vì nó đã giúp mình giảm đi rất nhiều những khó khăn gặp phải trong quá trình huấn luyện. Sự tử tế thứ hai mà mình trân trọng, chính là sự huấn luyện và việc dạy dỗ “tử tế” từ các giáo viên ở đây. Hiện tại, mình cũng là một giáo viên, và mình hiểu một người cần rất nhiều điều để có thể trở thành một người thầy giỏi. Sự phấn đấu để làm công việc ấy một cách “tử tế” là một trong những điều quan trọng bậc nhất. Vì hai điều “tử tế” ấy, mình cảm thấy may mắn vì đã được huấn luyện ở New Zealand”.

     Ở tuổi 23, Đạt trở thành cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam.

    Sau 18 tháng học ở cơ bản ở New Zealand thì Đạt tiếp tục theo học khoá huấn luyện chuyên cho máy bay Airbus khoảng ba tháng ở Anh rồi trở về Việt Nam. Ở Việt Nam, Đạt được đào tạo bởi các giáo viên của Jetstar Pacific trên máy bay Airbus A320 trên các đường bay chở khách. Hiện tại anh đang là cơ trưởng Airbus A320 của hãng hàng không Pacific Airlines và là giáo viên kiểm tra tại Cục Hàng không Việt Nam.  

    Hà Chi.

    Bài viết liên quan

  • TChuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”
    • Chuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”

      2021-01-05 09:55:31

      Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ít ai ngờ rằng cô gái trẻ sinh năm 1993 Nguyễn Thu Hằng - Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS lại lựa chọn một công việc có vẻ khá nặng nhọc và “hơi khó nhằn” dành cho phái nữ, bên cạnh rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề kiểm soát tải.

  • TCơ trưởng Duy Anh: “Nghề cho mình góc nhìn và cảm nhận mới lạ về cuộc sống”
  • TChàng “hot boy” bật mí về nghề tiếp viên hàng không
    • Chàng “hot boy” bật mí về nghề tiếp viên hàng không

      2021-01-08 15:48:46

      Bắt đầu “nghề bay” được một năm nhưng với anh Nguyễn Thanh Tùng (CHS I4, 09 - 11), mỗi chuyến bay luôn là một trải nghiệm thú vị bởi anh được làm việc cùng những đồng nghiệp mới và được đặt chân đến nhiều vùng đất trên thế giới.

    • facebook