• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Nghề vệ sinh máy bay

  • 2021-01-06 15:36:16
  • Khi chiếc Boeing 777 của hãng hàng không Vietnam Airlines vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, ngay lập tức chiếc xe mang theo 8 nhân viên của đội phục vụ trên tàu chờ đi tới.

    Khi vị khách cuối cùng rời khỏi máy bay, chỉ chờ tiếp viên trưởng ra hiệu "OK" là họ lên với máy hút bụi, giẻ lau, xô nhựa, xà bông, nước hoa...

    Rất chuyên nghiệp, họ bắt tay vào thu dọn những gì hành khách vứt lại, rồi hút bụi, lau sàn, cửa kính, toilet, sửa lại chăn mền, gối, tai nghe, xịt nước hoa...

    Chưa đầy 1 tiếng đồng hồ, chiếc máy bay bề bộn, uế mùi sau một chuyến bay dài đã trở nên thơm tho, sạch đẹp.

    Sau khi đội trưởng đội lau máy bay hoàn tất thủ tục, bàn giao cho tiếp viên trưởng của chuyến bay tiếp theo, cả đội rút lui. Rồi họ lại tiếp tục âm thầm làm công việc của mình trên một máy bay khác vừa hạ cánh...

    Anh Nguyễn Hữu Chí Linh, Đội trưởng đội phục vụ trên tàu cho biết: "Hiện toàn đội có 127 nhân viên thực hiện nhiều công việc khác nhau, từ cung cấp báo chí, chăn mền, gối, tai nghe, giấy vệ sinh... đến lau dọn máy bay. Mỗi ngày có 8 nhóm làm việc 24/24 giờ. Chúng tôi luôn cố gắng hết sức để giúp hành khách có được cảm giác thoải mái như ở trong chính nhà mình".

    Lúc này, đội đang chờ chuyến bay tới hạ cánh. "Những giờ phút như thế này thật hiếm đối với chúng tôi. Những ngày giáp Tết, có khi 5-8 chuyến bay hạ cánh gần như cùng lúc, cả đội phải vắt giò lên cổ mà chạy", anh Linh cho biết. Và trong những phút giây rảnh rỗi hiếm hoi này là lúc các anh chị kể chuyện đời, chuyện nghề.

    Vệ sinh máy bay

    Chị Trần Thị Mỹ Hạnh, mới vào đội được 8 tháng cho biết: "Lau cho sạch từng ngõ ngách của máy bay không phải là công việc đơn giản. Rất may, mình đã được đào tạo và được biết một chút về "nghệ thuật lau" nên đến nay đã khá thành thạo và không còn thấy khó khăn gì nữa".

    Khi được hỏi "Thế chị được đi máy bay chưa?" Chị cười nắc nẻ: "Mơ được đi một lần cho biết mà chưa được", rồi như chợt nhớ, chị tiếp: "À, một lần đang lau máy bay thì ở dưới người ta đẩy máy bay đi được một đoạn, và đó là cảm giác đầu tiên "đi máy bay" của mình".

    Công việc nhiều, luôn phải khuân vác đồ đạc, thiết bị nặng lên xuống máy bay, phải làm cả ca đêm... đó là cái khó của nghề, nhất là với những phụ nữ như chị Hạnh. Tuy vậy, niềm vui trong công việc của các anh chị thì nhiều. Chị cho xem một cuốn sổ khá dày, trong đó là vô vàn những lá thư của các hãng hàng không quốc tế, của những hành khách từ tận những nơi xa xôi như Australia, Mỹ, Canada, Venezuela, Hàn Quốc, Nhật Bản... Họ gửi thư cảm ơn đội đã trả lại những món hàng có giá trị và cả những vật kỷ niệm mà họ bỏ quên trên máy bay.

    Theo anh Nguyễn Hữu Chí Linh, tài sản mà đội đã trả lại cho khách nhiều không biết bao nhiêu mà kể. Lớn đến mấy chục ngàn USD, nhỏ có khi chỉ là cây viết, cái nón, chiếc caravat, điện thoại di động... Tất cả đều được trả lại cho chủ nhân. Không để thất thoát bất kỳ cái gì khách bỏ rơi, đó đã là nguyên tắc và cũng là bài học đầu tiên của mỗi thành viên trong đội. "Đối với những vị khách lần đầu tiên đến hay rời Việt Nam, lỡ bỏ quên một món đồ quý và được trả lại, chắc chắn họ sẽ có ấn tượng tốt đẹp không chỉ với đội mà còn với cả đất nước và con người Việt Nam", anh Linh nói.

    Chị Phan Thị Vân, quê ở Nghệ Tĩnh, có hơn 10 năm thâm niên trong nghề, không thể nhớ hết số lần nhặt được tài sản và trả lại cho khách, dù hoàn cảnh chị chẳng khấm khá gì. Chị nói đơn giản: "Mình nghèo thật nhưng phải giữ lòng sạch, tâm trong". Năm nay chị Vân đã 35 tuổi, có 2 con, chồng của chị cũng làm việc trong sân bay. Vì cả hai vợ chồng cùng làm theo ca nên có khi suốt cả tháng trời cũng không thấy mặt nhau. Thế nhưng, chị cho biết: "Tuy vậy, tôi rất an tâm với nghề. Nghề nào có ích cho đời đều là nghề cao quý, dẫu cho có phải hy sinh chút riêng tư".

    (Theo Thanh Niên).

    • facebook