• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Người dẫn đường trên không

  • 2020-12-17 22:32:19
  • “Happy New Year” hay “Chúc mừng năm mới”, chỉ một câu nói trao nhau vội vàng qua lời thoại trong đêm giao thừa, nhưng cũng đủ làm ấm lòng người kiểm soát viên không lưu, những người dường như chỉ biết lấy bầu trời, sự an toàn của các chuyến bay làm Tết…

    Ngồi phòng ấm, điều tiết không lưu bằng cái đầu lạnh

    Trung tâm Kiểm soát đường dài ACC Hà Nội (Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam) là một trong những địa điểm khá bí ẩn. Vì là nơi điều tiết và đảm bảo an toàn cho các chuyến bay nên việc ra vào đây được kiểm soát an ninh ngặt nghèo và không phải ai cũng có thể tiếp cận được.

    Sau nhiều lần liên lạc, kèm theo giấy giới thiệu của cơ quan, tôi đã có dịp ghé nơi này. Có mặt tại đây, chúng tôi được khuyến cáo giữ yên lặng, không tiếp cận quá gần hay trò chuyện làm ảnh hưởng đến sự tập trung làm việc của các kiểm soát viên.

    Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Trưởng Trung tâm kiểm soát đường dài ACC Hà Nội cho biết: Hoạt động kiểm soát viên không lưu diễn ra liên tục 24/24h, với các ca trực nối tiếp. Mỗi kíp trực kéo dài 2 tiếng, và chia theo các phân khu. Trong suốt ca trực, các kiểm soát viên không được rời khỏi vị trí nửa bước.

    Tại mỗi phân khu thường có ít nhất 3 đến 4 người làm việc, gồm kiểm soát viên trực tiếp cầm micro điều hành, kiểm soát viên trực hiệp đồng và kiểm soát viên giám sát và kiểm soát viên dự phòng.

    Kiểm soát viên không lưu trực điều hành bay.

    Trong số người trực, kiểm soát viên điều hành chính đeo micro luôn là người bận rộn nhất. Ở vị trí trực hiệp đồng, kiểm soát viên khác sẽ có nhiệm vụ liên lạc với các cơ sở cung cấp dịch vụ kiểm soát không lưu kế cận như FIR Hồ Chí Minh… để nhận thông tin về chuyến bay, chuẩn bị vào vùng kiểm soát của đài.

    Kiểm soát viên tại vị trí giám sát sẽ theo dõi tổng thể công việc của hai đồng nghiệp để kịp thời hỗ trợ khi cần thiết, đồng thời giữ vị trí “tỉnh táo viên” lắng nghe và quan sát huấn lệnh của kiểm soát viên điều hành, để nhắc ngay khi có sai sót.

    Chỉ vào màn hình chỉ huy dày đặc các điểm sáng màu vàng (hiển thị các máy bay) một kiểm soát viên cho hay: “ Vì không phải giờ cao điểm, nên trong phân khu đang có khoảng hơn 20 máy bay hoạt động”.

    “Giống như một Cảnh sát giao thông, nghề của chúng tôi là sắp xếp máy bay bay một cách trật tự, giữ khoảng cách để máy bay hạ cánh an toàn”, anh Dũng nói ngắn gọn khi được hỏi định nghĩa đơn giản nhất về nghề.

    Nhưng để làm được việc là điều tiết hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày an toàn, nghe qua có vẻ đơn giản, song ngoài năng lực chuyên môn, kiểm soát viên phải hội tụ rất nhiều yếu tố, như: bình tĩnh, cẩn thận, có khả năng làm việc nhóm và tính quyết đoán để nhanh chóng đưa ra quyết định đúng chỉ dẫn cho phi công.

    Vì trong nghề này, thời gian xử lý tình huống được tính bằng phút, bằng giây. Chỉ một phút xao nhãng cũng có thể phải trả cái giá rất đắt.

    Theo anh Dũng, ngoài những căng thẳng hằng ngày đã quen thuộc như tỷ lệ cất hạ cánh cao, máy bay quân sự hoạt động nhiều, thì người kiểm soát viên phải có “khiếu” trong việc giải quyết sự số máy bay hỏng hóc trang thiết bị, thậm chí cả thời tiết xấu diễn biến bất thường, nếu không rất dễ xảy ra tình trạng “ùn tắc trên trời”.

    Dẫn chứng về điều này, anh kể: “Nhớ nhất là trận mưa lịch sử xảy ra tại Hà Nội năm 2008. Ca tôi trực đúng hôm thời tiết bắt đầu mưa to. Sân bay Nội Bài dường như hỗn loạn vì cùng lúc trên trời có tới 30-40 chuyến bay không thể hạ cánh, dưới mặt đất cũng vài chục chuyến bay không thể cất cánh.

    Trong tình huống này, yêu cầu đầu tiên với người kiểm soát viên là phải tỉnh táo để vừa liên lạc giải thích sơ bộ cho các phi công hiểu sự tình, vừa phải giúp họ giữ khoảng cách an toàn giữa các máy bay chờ, vừa phải liên lạc với các sân bay dự bị để điều chuyển hướng đáp.

    Lần đó, thậm chí có chuyến bay mình phải hạ cánh nhờ bên nước bạn Campuchia. Nhưng may mắn hơn, dù hôm đó thời tiết diễn biến rất xấu, song các chuyến bay của ta vẫn được đảm bảo an toàn tuyệt đối”.

    Anh Dũng cũng chia sẻ thêm: “Những trường hợp như máy bay hở buồng lái, vỡ kính buồng lái do va đập với chim, máy bay bị hỏng hệ thống thủy lực rất khó kiểm soát, khi đó kiểm soát viên phải hiệp đồng thông báo để huy động tất cả hệ thống khẩn nguy của sân bay dưới mặt đất như cứu hỏa, cứu thương; ưu tiên số một cho máy bay bị sự cố hạ cánh. Đấy là lý do vì sao chúng tôi, ngồi trong phòng nhưng luôn phải giữ cái đầu lạnh”.

    Quyết liệt trong từng giây và những cái Tết không gia đình 

    Trò chuyện với tôi, kíp phó Nguyễn Thị Hồng, với gần 20 năm kinh nghiệm trong nghề “cầm míc hướng dẫn bay” không giấu được nỗi buồn khi tâm sự, nhiều người hễ thấy sự cố hàng không là đổ lỗi cho quản lý bay, cho những người kiểm soát viên không lưu.

    Song thực tế, dư luận hiểu chưa đúng về cái nghề đòi hỏi chuẩn mực rất cao về mặt an toàn này. Theo chị Hồng, an toàn là xương sống của nghề quản lý bay. Ví như quy định khoảng cách tối thiểu giữa 2 máy bay là 10 dặm (1dặm = 1,609km), nhưng có dư luận cho rằng kiểm soát viên không lưu vì an toàn mà kéo dài khoảng cách 2 máy bay ra, dẫn đến chậm chuyến, hoặc như khi thấy hai máy bay có dấu hiệu vi phạm khoảng cách an toàn, kiểm soát viên nhắc nhở thì lại tỏ ra không hài lòng.

    "Hành khách nếu ngồi trên máy bay mà chúng tôi áp dụng khoảng cách giữa 2 máy bay chỉ 5 dặm thì sẽ bị coi là vi phạm quy định. Bởi thực tế, khoảng cách bay bị rút ngắn gây nguy hiểm lúc nào không biết, vì tốc độ 1 máy bay bay cao là 8 dặm/phút, bay thấp cũng 5, 6 dặm/phút”, chị Hồng bộc bạch.

    Chưa kể, kiểm soát viên ngồi trước màn hình ra đa, trên màn hình có khoảng 20 máy bay, mà cứ 10 chiếc kẹp như thế thì làm sao giám sát hết được. Thông thường, kiểm soát viên phân cách khoảng cách giữa 2 chiếc là 6 - 7 dặm, để chiếc sau nếu tốc độ lớn hơn chiếc trước, đuổi kịp đến ngưỡng 6 dặm đã phải xử lý tình huống.

    Nếu để xuống 4,9 dặm thì hệ thống chống va chạm trên không ( TCAS) của máy bay sẽ báo động và phi công sẽ gửi báo cáo về Cục Hàng không và Cục sẽ vào điều tra việc vi phạm phân cách tối thiểu.

    Áp lực nghề nghiệp là một thì nhắc đến Tết, nỗi buồn dường như được nhân lên gấp bội. Tết đến mọi người được nghỉ nhưng ngược lại thì kiểm soát viên không lưu có cường độ công việc tăng nặng gấp 2-3 lần so với trước đó do tần suất các chuyến bay gia tăng, chưa tính đến các yếu tố khác như điều kiện thời tiết phức tạp.

    Nhớ về những thời khắc giao thừa, những người có thâm niên ít cũng hơn chục năm, nhiều cũng tới 20 năm ăn Tết tại ACC như anh Dũng, chị Hồng luôn cảm thấy chạnh lòng và tủi thân bởi khi những chiếc kim đồng tích tắc chuyển sang năm mới thì cũng là lúc tay điều khiển, mắt nhìn, miệng trao đổi, đầu phán đoán. Suốt hành trình bay, họ lúc nào cũng trong tình trạng vừa nói, vừa làm, vừa suy nghĩ một cách nhịp nhàng, chuẩn xác.

    Chỉ cần một phút lơ là, kiểm soát viên không lưu và người cầm lái máy bay sẽ phải trả giá bằng tính mạng của hàng trăm người trên mỗi chuyến bay.

    “Tết đến, cánh chúng tôi không được bên cạnh người thân, hay đơn giản là đứng dậy cùng người đồng nghiệp nâng ly rượu chúc mừng năm mới. Đêm chuyển giao năm mới, người người tụ họp hàn huyên chuyện cũ thì với kiểm soát viên không lưu, giao thừa có khi chỉ là những đốm sáng nhỏ, tiếng máy fax loẹt xoẹt hoặc giữa lúc đó, chỉ là một lời chúc Tết vội qua bộ đàm với phi công. Nhưng từng đó cũng đủ để anh em làm việc thấy ấm lòng vì niềm vui của kiểm soát viên không lưu là những chuyến bay an toàn, giúp hành khách đoàn tụ cùng gia đình,” chị Hồng nói.

    Theo ông Đinh Việt Thắng, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM), hiện nay, VATM có khoảng 500 kiểm soát viên không lưu làm việc tại các cơ sở điều hành bay trên toàn quốc.

    Do tính chất quan trọng của nghề kiểm soát không lưu nên đòi hỏi người làm nghề này phải có am hiểu sâu sắc về nghề nghiệp, có phản ứng nhanh nhạy, có trình độ tiếng Anh đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để giao tiếp với phi công và đặc biệt người kiểm soát viên không lưu cần phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình làm việc.

    “Năm 2016 vừa qua, sản lượng của VATM đạt hơn 640.000 lần chuyến. Dự kiến, năm nay đạt hơn 700.000 lần chuyến. Tuy nhiên, đây cũng là áp lực và thách thức rất lớn đến công tác điều hành bay.

    Thế nhưng, 19 năm qua, ngành hàng không Việt Nam chưa để xảy ra tai nạn chết người, ngay cả các nước tiên tiến trên thế giới cũng không duy trì được con số ấn tượng này. Hàng không Việt không thua kém bất cứ nước nào về trình độ. Việt Nam luôn duy trì top đầu trong khu vực Đông Nam Á” ông Thắng chia sẻ.

    Trích nguồn Cand.com.vn

    • facebook