• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Quản lý hoạt động bay: nghề khắc nghiệt nhưng hấp dẫn

  • 2020-12-27 23:06:55
  • Công việc đòi hỏi khắt khe về trí lực và thể chất nhưng bù lại với mức thu nhập hậu hĩnh. Thạc sĩ Phan Thành Trung - phụ trách khoa Không lưu, Học viện Hàng không Việt Nam - nhận lời Tuổi Trẻ tư vấn cụ thể ngành này với sức hấp dẫn lẫn sự khắc nghiệt cần cân nhắc.

    Môi trường làm việc của kỹ sư ngành Quản lý hoạt động bay như thế nào?

    Sau khi ra trường, kỹ sư Quản lý hoạt động bay có thể đảm nhận nhiều vị trí công việc chuyên ngành, trở thành nhân viên không lưu ở các vị trí sau: Nhân viên thủ tục bay; Nhân viên thông báo, hiệp đồng bay;

    Kiểm soát viên mặt đất tại sân bay; Kiểm soát viên không lưu tại sân bay; Kiểm soát viên không lưu tiếp cận ra-đa, không ra-đa; Kiểm soát viên không lưu đường dài ra-đa, không ra-đa; Kíp trưởng không lưu; Huấn luyện viên không lưu; Nhân viên đánh tín hiệu.

    Nơi làm việc có thể thay đổi tùy theo tính chất công việc, nhưng đa số là ở mặt đất. Các đơn vị tuyển dụng như cảng, hãng hàng không, tổng công ty cảng hàng không, công ty quản lý bay, các doanh nghiệp cung ứng dịch vụ du lịch, vận tải hàng không, cơ quan quản lý nhà nước về hàng không dân dụng...

    Tính chất môi trường làm việc như thế nào so với làm việc trên bầu trời, như phi công?

    Tùy vị trí công tác, nhưng vị trí kiểm soát không lưu thường căng thẳng, nhiều áp lực hơn so với các vị trí mặt đất khác.

    Kỹ sư ngành Quản lý hoạt động bay không phải làm việc trên tàu bay, không phải di chuyển nhiều như phi công và tiếp viên, tuy nhiên phải làm việc 24/24 giờ theo chế độ ca kíp.

    Nghề kiểm soát viên không lưu có điểm giống và khác so với tổ lái trên tàu bay. Giống ở điểm cùng tham gia hoạt động đảm bảo an toàn bay, cùng đối thoại với nhau trên tần số không lưu.

    Khác ở điểm phi công chỉ kiểm soát một tàu bay và đảm bảo an toàn cho các hành khách trên tàu của mình. Còn kiểm soát viên không lưu phải kiểm soát tất cả tàu bay trong vùng trời trách nhiệm, đảm bảo an toàn cho toàn bộ con người trên những tàu bay đấy.

    Có thể nói công việc của kiểm soát viên không lưu phần nào vất vả và căng thẳng hơn những nghề còn lại trong ngành.

     

     

    Nhu cầu nhân lực cho ngành như thế nào?

    Hiện nay nhu cầu nhân lực cho hoạt động này tương đối lớn, tại các sân bay quốc tế cũng như các sân bay nội địa. Sinh viên sau khi tốt nghiệp có thể làm ở nhiều vị trí khác nhau nên nhân lực ngành này đang có yêu cầu cao.

    Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo và yêu cầu của nhà tuyển dụng, chỉ tiêu hiện tại mỗi năm của Học viện Hàng không Việt Nam chỉ khoảng 50-60 sinh viên hệ đại học, 30-40 sinh viên hệ cao đẳng. Ngoài ra còn có lớp dịch vụ tùy thuộc vào nhu cầu thực tế và đặt hàng của tổng công ty.

    Thực tập kiểm soát không lưu ở phòng thực hành Học viện Hàng không Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Hưng

    Người học cần có tố chất nào để phù hợp với ngành?

    Công việc kiểm soát không lưu ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn bay, đòi hỏi người làm phải thông minh, nhanh nhạy và đặc biệt có tính chuyên nghiệp cao.

    Một số điều kiện cần khác như yêu thích, đam mê với ngành hàng không; khả năng định hình không gian tốt, trí nhớ tốt và khả năng tư duy nhanh; có khả năng quyết định nhanh, thực hiện nhiều việc cùng lúc, tự tin, quyết đoán; có thể thích ứng với căng thẳng và bình tĩnh khi gặp áp lực; có sức khỏe, thị lực và thính giác tốt (tham khảo Thông tư liên tịch số 18/2012/TTLT-BYT-BGTVT); không sử dụng các chất kích thích...

    Ngoài các yếu tố trên, bạn cần thành thạo tiếng Anh, đáp ứng yêu cầu theo quy định của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO) để tương tác hiệu quả với các phi công đến từ nhiều quốc gia trong khi điều hành bay.

    Mức lương so với các ngành khác của hàng không?

    Thu nhập tương đối cao hơn những công việc hành chính khác vì có thu nhập năng suất theo giờ. Theo số liệu năm 2017, kiểm soát viên không lưu có mức lương bình quân trên 27 triệu đồng/tháng đối với các vị trí khai thác trực tiếp.

    Liệu học trái ngành có thể tham gia vào quy trình quản lý hoạt động bay?

    Trái ngành vẫn có cơ hội tham gia quy trình điều hành bay, tuy nhiên phải trải qua các khóa huấn luyện và đạt chứng chỉ chuyên môn do các trung tâm huấn luyện đào tạo nghiệp vụ mà Cục Hàng không Việt Nam cấp phép hoặc phê chuẩn hoạt động.

    Học ngành này là học về quản lý hay kỹ thuật?

    Như tên của chương trình đào tạo, ngành Quản lý hoạt động bay chuyên về quản lý khai thác bay với nhiều yếu tố chuyên ngành rất phức tạp, liên quan nhiều lĩnh vực khác nhau trong ngành hàng không.

    Kiến thức cơ sở ngành là kỹ thuật. Kiến thức chuyên ngành sẽ tập trung vào quản lý khai thác bay, chứ không phải "quản lý" theo cách hiểu thông dụng.

    Theo PV Tuổi Trẻ

    • facebook