• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    [NGHỀ CỦA TÔI] Kỹ sư máy bay: "Nghề này bạc lắm, bạc như mái đầu của bố tôi"

  • 2021-09-14 10:08:37
  • Bố tôi là Kỹ sư máy bay. Bốn tiếng “Kỹ sư máy bay” đã theo tôi từ lúc lọt lòng, âm thầm ngấm vào từng tiếng hát lời ru của mẹ. Và dần trở thành một phần trong dòng máu chảy dạt dào trong huyết quản của bản thân tôi từ lúc nào không hay.

    Khi tôi bước chân vào cấp một, những nét chữ đầu tiên trong cuộc đời tôi là viết về nghề nghiệp bố, tôi hãnh diện đặt lên tờ sơ yếu lý lịch ấy nét chữ nguệch ngoạc “Kỹ sư máy bay”.

    Ngày ấy đối với tôi, máy bay là một thứ gì đó thật vĩ đại và lớn lao, một thứ nặng hơn tôi nghìn lần nhưng lại “nhẹ hơn không khí” có thể bay như một chiếc lá, trong khi tôi thì lại không. Mỗi khi máy bay bay ngnang qua nhà, tôi nhẩy cẫng lên, vỗ tay chỉ máy bay và gào lên “bố đấy, mẹ ơi”. Mẹ tôi âu yếm bế tôi lên, thì thầm nhỏ nhẹ vào tai: ”không đâu con ạ, bố con không ở trên cao ấy, bố con sắp về”

    - Vâng, bố sắp về….

    Lớn hơn một chút, tôi dần hiểu thế nào là “Kỹ sư máy bay”. Là những đêm dài không có giọng bố ầu ơ ru tôi chìm vào giấc ngủ, là những sáng tinh mơ khi tôi tỉnh dậy thì bố về đến nhà mặt mũi bơ phờ. Sau những buổi làm việc mệt mỏi, bố nằm  nhìn tôi trìu mến và nhắm mắt lại ngủ một giấc cho đến khi tôi đi học về.

    “Kỹ sư máy bay” là những ngày lễ Tết cả nhà sum vầy chỉ thiếu mỗi bố. Bố tôi đi trực, ừ nhỉ, lễ Tết máy bay đâu có ngừng bay? “Kỹ sư máy bay” là không có ngày lễ Tết, là những tháng ngày biền biệt với những lớp học chuyển loại bên kia bờ đại dương, là những đêm mẹ tôi ôm chặt tôi mà nước mặt chảy nóng ran, là những buổi cơm tối bày ra chỉ có 2 chén nhỏ, những khi ấy tôi biết “đêm nay bố lại không về”

    Lớn thêm chút nữa, “Kỹ sư máy bay” trong tâm trí tôi là những buổi chiều nắng nhẹ, tôi run rẩy đứng núp sau cánh cửa phòng thờ, lặng lẽ nhìn mẹ tôi run run thắp nhang cầu trời khấn phật mà nước mắt lưng tròng. Tôi biết ở ngoài kia, bố tôi đang có mặt trên một chuyến bay thử nghiệm. Tôi chợt nhận ra “Kỹ sư máy bay” là đem tính mạng của mình ra để đảm bảo máy bay đã an toàn…

    Tôi yêu bố tôi bằng tình yêu của một người con dành cho bố, nhưng nhiều hơn nữa là tình cảm của một người dành cho thần tượng của mình. Tôi biết ở trong công ty bố tôi là thần tượng của biết bao thế hệ kỹ sư trẻ, tôi tự hào lắm. Bất cứ đi đến đâu, tôi cũng ngẩng cao đầu với câu nói:  “Bố cháu là kỹ sư máy bay ạ!”

    Tôi chọn theo con đường của bố, tôi biết bố tôi vui lắm. Trong ánh mắt của ông hằn lên vẻ hãnh diện khi con trai mình tiếp tục theo đuổi nghề của bố. Tôi hiểu rằng, không có gì hạnh phúc hơn cho một người bố, khi nghề nghiệp của ông ta được chính đứa con mình nâng niu và trân trọng. Những ngày đầu chân ướt chân ráo bước vào công ty, tôi được chào đón như về với gia đình, tôi được hy vọng sẽ trở thành “hổ phụ sinh hổ tử”. Nhưng hơn ai hết, tôi chợt nhận thấy ánh mắt bố tôi thoáng có nét buồn xa xăm.

    Rồi tôi vào Miền Nam, cố gắng tránh xa cái bóng quá lớn của bố. Ngày đầu tiên bước ra sân bay, tôi hãnh diện treo lên ngực áo dòng chữ “Kỹ sư máy bay”, trộm nghĩ rằng cả sân bay ai nấy cũng phải ganh tị. Tôi gặp tiếp viên hàng không, cười nụ cười hiền lành nhất có thể, và chẳng nhận được gì ngoài sự thờ ơ vô cảm.

    6 tháng mùa mưa, mưa sân bay thật lạnh, lạnh như chính những khuôn mặt vô cảm nhìn lướt qua người tôi. Tôi lạnh, tôi nghĩ về cách đây hai mươi năm, cũng trong những buổi chiều mưa nặng hạt, tôi ở nhà còn bố tôi đang đứng ở vị trí này và chăm chỉ làm việc…tôi tủi thân…cảm thấy mình vô dụng quá. Bố ơi, con hiểu rồi. Hy sinh là cao cả, nhưng không phải sự hy sinh nào cũng dễ dàng đâu bố. Con cũng đang ở ngoài này, con ướt, con lạnh, nhưng nước mắt nóng hổi của con vẫn lăn dài vì con biết nơi đây đúng hai mươi năm trước, mồ hôi và nước mắt của bố cũng đã tuôn ướt đẫm chân con. Tất cả chỉ để con có ngày hôm nay, đứng vững vàng trên đôi chân của mình phải không bố?

    Những lúc trò chuyện với các anh đồng nghiệp từng trải, tôi vẫn thường hỏi các anh, rằng sau này khi có con, các anh có muốn con các anh vào đây làm hay không? Hầu hết mọi người đều suy ngẫm, và cay đắng trả lời rằng “không”. Lý do ư ? “Cái nghề này nó bạc lắm, bạc như chính mái đầu của bố chú vậy”.

    - Vâng, bạc như vôi. Tôi cay đắng nhìn lại bản thân? Tôi ư? Học hành đàng hoàng, bằng cấp chẳng thiếu, vậy tại sao tay tôi vẫn lấm và mặt tôi vẫn lem?

    Tôi gặp em, mối tình đầu của tôi, tôi đã yêu em từ ngay cái nhìn đầu tiên. Người con gái hiền dịu có ánh mắt buồn luôn hướng về nơi xa xăm. Tận sâu trong đôi mắt ấy dường như lúc nào cũng có nét long lanh như đang ngân ngấn nước. Em cũng yêu tôi, yêu cái chân tình của anh kỹ sư mới ra trường, em yêu những lần chúng tôi trò chuyện, yêu cái cách tôi hay phóng tầm nhìn xa xăm. Em yêu cả những vần thơ tôi hay làm. Nhưng em yêu nhất là mùa mưa. Chúng tôi là bạn cũ, và vì thế chúng tôi đến với nhau thật nhẹ nhàng , không giông tố như ngày chúng tôi xa nhau.

    “Em ước mong sao, một ngày kia anh sẽ ở nhà với em…em muốn ôm anh ngủ hằng đêm, em ước mong sao anh là một người làm giờ hành chính, sau giờ làm giúp em đưa đón con, dạy dỗ chúng nó nên người, dạy cho chúng nó những bài học mà chỉ có người bố mới làm được…” Tôi òa khóc, khóc như chính những ngày xa xưa khi cứ đến lễ Tết là bố tôi lại đi trực, và cả nhà không đi đâu chơi. Tim tôi thắt lại, miệng đắng không nói nên lời nào. Ừ nhỉ, một cô gái bình thường và một điều ước bình thường giản dị, sao mà khó với tôi thế. Đến với tôi em sẽ ra sao???

    Tôi run rẩy nhớ lại ánh mắt mẹ tôi vẫn thắp hương ngẩn đầu nhìn trời xanh cầu mong tối hôm ấy bố tôi sẽ trở về. Và tôi nhìn vào mắt em, cũng ánh mắt ấy, cũng ngân ngấn nước…và có chăng sau này, con tôi, cũng ngõ hẻm ấy, cũng ngồi đợi tôi đi làm về sau giờ tan ca và khóc thét lên với mẹ “bố về, bố về, mẹ ơi”… Mắt tôi mờ đi, giọng tôi khản đục, tôi cố quay đi để em không nhìn thấy nước mắt của một thằng đàn ông, cố tròn miệng để lại cho em một lời : “Chúc em hạnh phúc, anh yêu em”…

    Hôm nay, như mọi ngày, tôi hết ca, trên đường bước ra xe về nhà, tôi nghe văng vẳng tiếng anh bạn đồng nghiệp làm ca sau, anh đang nói vào điện thoại di động :” Alô, cu Bi hả? Cu bi ở nhà có ngoan không? Cu Bi ăn tối chưa? Ở nhà phải nghe lời mẹ nghe chưa, không được hư đó, tối nay bố đi làm không về ngủ với cu Bi được, cu Bi ngoan nhé….”

    Ừ nhỉ,

    Hôm nay

    Lại có một người bố,

    Không về…

    Nguyễn Mạnh Tường

    Nguồn:https://cafebiz.vn/nghe-nghiep/nghe-cua-toi-ky-su-may-bay-nghe-nay-bac-lam-bac-nhu-mai-dau-cua-bo-toi-20150529153247942.chn?fbclid=IwAR0WV9ZxPmm9vTgWCsvsR-nyGEBfW2ZaNwRQ4lWjnPrPKz_MvebJOqAvR6s

    Bài viết liên quan

  • TChuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”
    • Chuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”

      2021-01-05 09:55:31

      Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ít ai ngờ rằng cô gái trẻ sinh năm 1993 Nguyễn Thu Hằng - Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS lại lựa chọn một công việc có vẻ khá nặng nhọc và “hơi khó nhằn” dành cho phái nữ, bên cạnh rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề kiểm soát tải.

  • TCơ trưởng Duy Anh: “Nghề cho mình góc nhìn và cảm nhận mới lạ về cuộc sống”
    • facebook