• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Airbus chuẩn bị cho giai đoạn phát triển mới

  • 2021-06-25 09:08:39
  • Với những cập nhật về danh mục sản phẩm hàng đầu, Airbus đã sẵn sàng cho sự phục hồi trước những tác động đại dịch Covid-19, hướng tới phát triển bền vững...

     

    Các chuyến bay thử nghiệm sẽ diễn ra trong năm 2022 và những chuyến giao hàng đầu tiên vào năm 2023.

    Đại dịch Covid-19 đã khiến ngành kinh doanh máy bay rơi vào tình trạng sa sút nghiêm trọng nhất từ trước đến nay, theo chia sẻ của ông Christian Scherer, Giám đốc Thương mại kiêm Trưởng bộ phận Quốc tế của Airbus, tại một phiên họp trực tuyến của Airbus được tổ chức vào giữa tháng 6 vừa qua.

    Theo số liệu, tăng trưởng của ngành công nghiệp kinh doanh máy bay đã bị gián đoạn sau 25 năm tăng trưởng bởi các hạn chế liên quan đến sức khỏe toàn cầu, cụ thể là đại dịch Covid-19. Từ khi cuộc khủng hoảng Covid-19 bùng phát, Airbus quyết định cắt giảm 40% sản lượng máy bay thương mại. Trong bối cảnh chung đó, Airbus cũng đã có những điều chỉnh trong việc kinh doanh của mình để thích ứng với đại dịch.

    Nhờ vậy, Airbus đã hoàn thành việc giao 566 chiếc máy bay trong năm 2020. “Trong suốt năm 2020, chúng tôi đã duy trì mức giao hàng đó,” ông Christian Scherer cho biết. “Chúng tôi đã nhận một số đơn đặt hàng, trong khi vẫn phải cân bằng một số đơn đặt hàng cũ và rất rất hạn chế việc hủy bỏ.”

    Tháng trước, Airbus cũng đã đưa ra dự báo cho chuỗi cung ứng của mình trong những năm tới để các nhà cung cấp có thể thích ứng kịp thời để tăng sản lượng. Nhà sản xuất dự đoán sự phục hồi sẽ xảy ra vào năm 2023 đối với việc di chuyển trong nước và 2024 đến 2025 đối với di chuyển quốc tế. Ông Christian Scherer khẳng định Airbus cùng với các đối tác của họ đang trong quá trình phục hồi.

    NHỮNG SẢN PHẨM HÀNG ĐẦU

    Airbus đang cập nhật về danh mục sản phẩm máy bay thương mại của mình để chuẩn bị cho việc phục hồi.

    A220: Tốc độ sản xuất máy bay hàng tháng hiện tại là năm chiếc, với dây chuyền lắp ráp cuối cùng ở Mirabel, Canada và Mobile, Alabama. Con số này tăng dần lên sáu chiếc vào đầu năm 2022 và 14 chiếc vào giữa thập kỷ này. A220 là loại máy bay hiện đại trong phân khúc máy bay 100-150 chỗ với tầm bay lên tới 6.390km.

    A320: Tốc độ sản xuất hiện tại là 40 máy bay mỗi tháng. Con số này tăng lên 45 máy bay vào cuối năm 2021, 64 máy bay trong năm 2023 và cuối cùng là 70 máy bay vào quý 1/2024. Hiện có 1.700 máy bay A320neo được phân phối trên toàn thế giới

    A321XLR: Sự chú ý đang đổ dồn vào chiếc A321XLR đã bắt đầu được sản xuất và sẽ được đưa vào FAL ở Hamburg vào cuối năm 2021. Các chuyến bay thử nghiệm sẽ diễn ra trong năm 2022 và những chuyến giao hàng đầu tiên vào năm 2023.

    A330 and A350: Dòng A330 mà Airbus đang cung cấp là dòng máy bay tối ưu về chi phí ở phân khúc tầm trung.

    Tốc độ sản xuất hàng tháng cho A330 hiện vẫn ở mức hai chiếc mỗi tháng. Trong đó, chiếc A330-900 đầu tiên với trọng lượng cất cánh tối đa 251 tấn (MTOW) đã được giao cho CORSAIR vào tháng Ba. Airbus đã cung cấp 1.500 chiếc A330 ra thị trường.

    Tốc độ sản xuất hàng tháng của dòng A350 tăng dần từ 5 lên 6 chiếc mỗi tháng vào năm tới. Airbus đang tiếp tục cải tiến thêm cho dòng A350.

    HƯỚNG TỚI PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG

    Ngay tại phiên họp, khi chia sẻ về dòng máy bay A350, ông Christian Scherer cho biết, vấn đề về tiêu hao nhiên liệu và tính bền vững, tính thân thiện với môi trường tạo nên sự khác biệt nhất.

    Trong khi đó, ông Philippe Mhun, Phó Chủ tịch Điều hành Chương trình VÀ Dịch vụ của Airbus cũng nói rằng họ đã sẵn sàng giải quyết những thách thức về ý nghĩa bền vững đối với ngành hàng không trong những năm tới và thập kỷ tới. “Chúng tôi có mức tiêu hao nhiên liệu của các sản phẩm của mình giảm 20-30%, mức độ tương tự với khí thải CO2 và trong hầu hết các trường hợp là giảm 50% lượng khí thải NOx,” ông nói.

    Airbus sẽ sớm có toàn bộ đội bay sử dung các nhiên liệu bền vững cho máy bay (SAF), vốn được sản xuất từ các nguồn năng lượng tái tạo, giúp giảm lượng khí thải và một máy bay sử dụng nhiên liệu hydro có thể đi vào hoạt động từ năm 2035. Để đạt được mục tiêu này, Airbus đã quyết định tăng cường nghiên cứu các bình chứa hydro bằng kim loại bằng cách thành lập Trung tâm Phát triển Không phát thải tại các cơ sở của hãng ở Bremen (Đức) và Nantes (Pháp). Airbus hy vọng SAF sẽ giải quyết 50% vấn đề về khí thải.

    “Chúng tôi đang mang lại nhiều giá trị cho khách hàng và chúng tôi vẫn đầu tư vào danh mục sản phẩm và dịch vụ hiện tại của mình,” ông Philippe Mhun tin tưởng. “Đồng thời, chúng tôi cũng đang phát triển công nghệ, một yêu cầu quan trọng để thực hiện cam kết đưa khí thải carbon về mức zero vào năm 2050, dự kiến ra mắt vào giữa thập kỷ tới.”

    Ngọc Lan

    Theo Báo vneconomy

    Điểm tin Hàng không

    Video clip

    • facebook