• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Chưa hẹn ngày nối lại đường bay thương mại quốc tế thường lệ

  • 2021-06-29 13:34:36
  • Nhà chức trách hàng không Việt Nam kỳ vọng thị trường hàng không sẽ phục hồi vào cuối năm nay, khi vắc-xin COVID-19 được tiêm số lượng lớn và 'hộ chiếu vắc-xin' được áp dụng rộng rãi. 6 tháng đầu năm nay sản lượng vận tải khách hàng không tiếp tục giảm mạnh, các kế hoạch mở lại đường bay chở khách quốc tế thường lệ chưa thể triển khai.

     

    Việc mở lại đường bay thường lệ quốc tế vẫn chưa rõ ngày triển khai do dịch COVID-19 và phụ thuộc vào tiến độ tiêm vắc-xin trong nước.

    Cục trưởng Hàng không (Bộ GTVT) Đinh Việt Thắng đánh giá, dự báo tình hình thị trường hàng không năm nay sẽ cải thiện so với năm 2020. Đặc biệt, vào nửa cuối năm nay sẽ khả quan, khi việc tiêm vắc-xin phòng COVID-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

    Tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ tiêm vắc-xin đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển khách quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4/2021.

    “Với những đánh giá nêu trên, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3 tới, với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách khách”, ông Thắng đánh giá.

    Như vậy, kế hoạch mở lại đường bay quốc tế thường lệ vẫn chưa rõ thời điểm có thể thực hiện được. Dù trước đó, Cục Hàng không đã lên kế hoạch 3 bước mở lại các đường bay quốc tế thường lệ với “hộ chiếu vắc-xin”, đặt mục tiêu chính thức nối lại thường lệ từ tháng 9/2021.

    Tuy nhiên, việc Thủ tướng có chỉ đạo nghiên cứu thí điểm “hộ chiếu vắc-xin” đón khách quốc tế tới Phú Quốc (Kiên Giang) là tín hiệu khả quan cho hàng không. Nếu việc thí điểm này thành công, các điểm đến nội địa khác có thể được mở cửa đón khách quốc tế để thêm cơ hội cho hàng không.

    Còn hiện tại, theo Cục Hàng không, chỉ còn khoảng 30 hãng hàng không nước ngoài khai thác các chuyến bay đi/đến Việt Nam từ các nước Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Trung Đông và Pháp. Các chuyên bay cũng chỉ chở hàng, nhà ngoại giao, chuyên gia, nhà đầu tư, người lao động tay nghề cao, sinh viên nước ngoài...

    Để chuẩn bị sẵn sàng cho kế hoạch nối lại đường bay quốc tế, hiện Vietnam Airlines và Vietjet là 2 trong số các hãng hàng không đã tham gia thử nghiệm ứng dụng "hộ chiếu vắc-xin" do IATA khởi xướng.

    Với nội địa, việc đặt vấn đề nơi lỏng đi lại cho người đã tiêm đủ vắc-xin phòng COVID-19 cũng là cơ hội cho hàng không, khi thị trường đi lại nội địa sẽ ít tác động hơn bởi các đợt bùng phát dịch bệnh tiếp theo.

    Thị trường hàng không nội địa 6 tháng qua, theo nhà chức trách hàng không, có thời điểm số lượng chuyến bay và khách nội địa tăng vượt cả năm 2019 (khi chưa có dịch COVID-19). Thậm chí, số lượng slot (giờ cất/hạ cánh) tại các sân bay lớn còn không đủ để cung ứng nhu cầu khai thác của các hãng hàng không nội.

    Tuy nhiên, với 2 đợt bùng phát dịch COVID-19 vào đúng thời gian bắt đầu cao điểm đi lại nội địa là Tết Nguyên đán và nghỉ hè của năm nay, và việc TPHCM phải giãn cách xã hội đã kéo tụt hoạt động hàng không. Dù cao điểm, nhưng sản lượng khai thác chỉ bằng 20-30% so với ngày thường, thậm chí 2 tuần đầu tháng 6 này sản lượng khai thác chỉ bằng 5-10% trung bình tháng 4.

    Do đó, lượng khách 6 tháng qua chỉ đạt gần 27 triệu lượt, giảm hơn 19% so với cùng kỳ năm 2020. Trong các ngày đầu tháng 5, khi dịch bùng phát khiến hoạt động bay bị ngừng trệ, máy bay của nhiều hãng đậu lại qua đêm không theo phân bổ gây tình trạng quá tải vị trí đỗ tại sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất.

    Lê Hữu Việt

    Theo Báo Tiền phong

     

    • facebook