Chuyện nghề
Cơ trưởng Quang Đạt: 'Có thời điểm tôi mất 95% thu nhập vì Covid-19'
Dù ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề, Quang Đạt vẫn coi một năm qua là khoảng nghỉ quý giá, cho anh cơ hội học hỏi nhiều điều mới và hoàn thiện bản thân.
|
Nguyễn Quang Đạt (sinh năm 1991, Hà Nội) được giới trẻ biết đến qua danh xưng “cơ trưởng trẻ nhất Việt Nam”. Hơn một năm qua, cuộc sống và công việc Đạt bị ảnh hưởng khá nhiều vì dịch.
Tháng trước, tôi đã tiêm mũi vaccine Covid-19 đầu tiên. Tôi không ấu trĩ tới độ tin rằng đây là liều thuốc thần để dịch bệnh biến mất trong ngày một, ngày hai.
Trong một thập kỷ vừa qua, chỉ trừ một năm dịch bệnh, tôi luôn miệt mài vào công việc và phát triển bản thân. Tôi thường xuyên kêu ca chuyện bị thiếu ngủ, không có thời gian nghỉ.
Có lúc tôi nghĩ sẽ không có lý do nào khiến mình phải “đi” chậm lại.
Rồi đại dịch Covid-19 ập đến, tôi đột nhiên thành người rảnh rỗi, lúc nào cũng thấy mình có quá nhiều thời gian.
Thu nhập giảm
Đỉnh điểm là tháng 4/2020, tôi dừng bay hoàn toàn, ở nhà không đi làm trên dưới một tháng. Ở thời điểm tệ nhất năm ngoái, thu nhập của tôi có lúc giảm khoảng 95%.
Không chỉ riêng tôi, đối với nhiều đồng nghiệp, nhất là những ai có vướng bận về gia đình, việc giảm thu nhập tác động rất lớn tới tâm lý của họ.
Có nhiều người cho rằng lương của nhân sự hàng không bình thường đã khá cao, khi giảm xuống rồi thì vẫn có thể đảm bảo cuộc sống.
Thực ra, điều này chỉ đúng một phần.
Ai cũng có những kế hoạch tài chính trong thời gian ngắn, trung và dài hạn. Việc bị giảm lớn tỷ lệ thu nhập một cách đột ngột làm tất cả phải thay đổi kế hoạch cuộc sống. Điều này đôi khi vô cùng bất tiện, khó khăn.
|
Bây giờ, tình hình đã đỡ hơn rất nhiều. Thu nhập của tôi chỉ còn giảm khoảng 50-60%. Mỗi tháng, tôi bay khoảng 10-40 giờ, ít hơn rất nhiều so với trước dịch là 80-100 giờ.
Trong dịch, các sân bay và vùng trời đều vắng vẻ một cách lạnh người. Mỗi khi đi làm, tôi chỉ có thể diễn tả mọi thứ bằng một từ “Thương”.
Thương đồng nghiệp của mình, những người đang mong từng ngày công việc được hồi phục. Những người khó khăn nhưng vẫn phải gồng mình đảm bảo an toàn và chất lượng dịch vụ, vốn là 2 điều sống còn của ngành hàng không.
Trên thế giới, nhiều hãng bay sụp đổ, phi công, tiếp viên nước bạn và cả trong nước đối mặt nhiều nguy cơ như giảm lương, ngừng bay hoặc thất nghiệp. Nếu bảo không lo lắng thì là nói dối.
Nhưng dẫu sao, sống ở một quốc gia mà dịch bệnh được kiểm soát quá tốt như Việt Nam, tôi cảm thấy may mắn nhiều hơn.
Kết thúc đợt giãn cách xã hội vào năm ngoái, chuyến bay đầu tiên sau khoảng thời gian nghỉ trở thành kỷ niệm đáng nhớ nhất đối với tôi trong 10 năm gắn bó với nghề. Đây cũng là hành trình đầu tiên của công ty tôi sau thời kỳ “ngủ đông”.
Nó đáng nhớ ở chỗ mọi người nhìn vào đấy như đại diện của niềm hy vọng, như ánh nắng đầu tiên sau cơn mưa dài, rằng mọi điều tệ nhất cũng đã qua. Đến giờ nhớ lại, thực lòng tôi vẫn thấy rất vinh dự.
Mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi
Dù gặp rất nhiều khó khăn, nói một cách công bằng, một năm chung sống với dịch là khoảng thời gian không tệ đối với tôi.
Nhờ “đi” chậm lại, tôi có cơ hội nhìn rõ mọi thứ hơn. Tôi có được nhiều bài học về quản lý tài chính, đầu tư vào những thứ tạo nguồn thu nhập thứ hai, lấp một số lỗ hổng trong nghề.
|
|
Hơn hết, tôi cũng có cơ hội để hoàn thiện lại bản thân.
Tôi không phải tuýp người tiêu cực. Khi cuộc sống càng buồn, tôi càng cố gắng tìm điều tích cực để thấy mình còn may mắn.
Sẽ còn rất lâu cho tới khi chúng tôi có thể trở về được như trước dịch - không khẩu trang, không cách ly, không đóng biên. Thế nhưng, chỉ cần khá lên thì đã là tốt lắm rồi.
Những lúc cảm thấy khó khăn quá, tôi sẽ… xem phim bộ. Những bộ phim khiến con người yêu đời như Friends, Reply 1988, Prison Playbook… để mượn niềm vui của họ.
Ngay lúc này, tôi chỉ hy vọng sự bình an. Cứ bình an thì công việc sẽ dần hồi phục. Tiền cũng có thể kiếm lại. Mọi chuyện rồi cũng ổn thôi.
Chắc chắn, sau mỗi lần gồng mình cố gắng vượt qua thử thách, thất vọng rồi lại hy vọng, tôi và các bạn sẽ trưởng thành hơn nhiều hậu Covid-19.
Nguồn: Zing
Bài viết liên quan
“Ngành hàng không đã chọn mình”
2020-12-03 08:59:49
Chàng Phi công 9x điển trai nhắn nhủ: "If you have a dream, go for it!"
2020-12-16 09:40:12
2 nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam
2020-12-22 09:05:17
Chuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”
2021-01-05 09:55:31
Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ít ai ngờ rằng cô gái trẻ sinh năm 1993 Nguyễn Thu Hằng - Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS lại lựa chọn một công việc có vẻ khá nặng nhọc và “hơi khó nhằn” dành cho phái nữ, bên cạnh rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề kiểm soát tải.
Cơ trưởng Duy Anh: “Nghề cho mình góc nhìn và cảm nhận mới lạ về cuộc sống”
2021-01-07 08:49:31
Bên cạnh niềm đam mê bầu trời từ khi còn nhỏ, Cơ trưởng Nguyễn Bá Duy Anh còn tự nhận mình có mối duyên đặc biệt với ống kính nhiếp ảnh
Điểm tin Hàng không
Tin mới
- VNAS HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ CHO CHIẾN SỸ TIỂU ĐOÀN CĂN CỨ SÂN BAY NỘI BÀI(2025-01-08 20:47:37)
- NGÀY HỘI TƯ VẤN, HƯỚNG NGHIỆP CHO CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ THAM GIA CAND TỈNH VĨNH PHÚC(2025-01-08 15:17:53)
- VNAS ĐỒNG HÀNH CÙNG CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ: ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP NGÀNH HÀNG KHÔNG(2025-01-07 19:46:47)
- HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ HÀNG KHÔNG CHO CHIẾN SĨ TIỂU ĐOÀN 172: CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP VỮNG CHẮC(2025-01-07 13:10:45)
- NGÀNH HÀNG KHÔNG: CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO HỌC SINH THPT NGUYỄN VĂN CỪ HẢI DƯƠNG(2025-01-04 20:22:00)
- TRUYỀN THÔNG, HƯỚNG NGHIỆP NGÀNH NGHỀ HÀNG KHÔNG CHO CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ THAM GIA CAND CHUẨN BỊ XUẤT NGŨ(2025-01-02 16:12:28)
- TUYÊN TRUYỀN, TƯ VẤN DẠY NGHỀ VÀ GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ CHUẨN BỊ HẾT HẠN TẠI NGŨ NĂM 2025(2025-01-02 15:17:30)
- HÀNG KHÔNG: CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP CHO HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ TRẠI GIAM B14(2025-01-02 14:29:10)
- CƠ HỘI CHO CHIẾN SỸ NGHĨA VỤ: VNAS KẾT NỐI CƠ HỘI NGHỀ HÀNG KHÔNG TẠI TRẠI GIAM THANH XUÂN(2024-12-31 20:27:40)
- VNAS TỔ CHỨC HƯỚNG NGHIỆP CHO HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ TRẠI GIAM T16(2024-12-30 19:38:57)
Copyright © 2020 CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM