Chuyện nghề
Đam mê và quyết tâm - Tuổi trẻ sẽ thực hiện hóa ước mơ bay
* Một cô gái từ Cà Mau lên TP HCM thời điểm năm 2003, khi mà nghề TVHK khá "sang chảnh" với giới trẻ, vậy cơ duyên nào đưa chị đến với nghề?
- Khi đó tôi vừa tốt nghiệp phổ thông, đang theo học tiếng Anh ở một trung tâm, chuẩn bị nhập học khoa Quan hệ quốc tế, Đại học KHXH&NV TP HCM. Các chị cùng khóa rủ thi tuyển TVHK nhưng tôi nghĩ đó là một công việc quá xa vời và xa xỉ với một cô gái từ miền quê lên thành phố. Vì thế, đợt thi tuyển đó tôi không đi.
Lần sau bạn bè rủ quá, tôi lén giấu ba mẹ, đánh liều thi tuyển. Tôi cũng không ngờ đã vượt qua được 4 vòng thi để bắt đầu chặng đường của một TVHK.
* Đó hẳn là một kỷ niệm đẹp với chị?
- Thực sự là một kỷ niệm rất đẹp. Tôi vẫn nhớ trước khi đi thi, tôi không có thỏi son nào nên mượn son của dì thoa nhẹ lên môi. Trước giờ ở quê, tôi có trang điểm đâu! (cười…) Rồi bạn bè mách tôi trang phục, đầu tóc ra sao, tôi bắt chước y vậy.
Hội đồng giám khảo hỏi sao chân tôi không có sẹo, không chạy hay ngã xe bao giờ hả. Tôi nói thật là đi học toàn đi bộ hoặc mẹ đưa đón. Trước hôm khám sức khỏe, tôi sốt cao lắm, tôi cũng nói thật với bác sĩ và nghĩ "thế là tiêu rồi". Ai ngờ đến ngày báo tin mình trúng tuyển, tôi vẫn không tin là sự thật.
* Chị đã trải qua khóa đào tạo thế nào trước khi trở thành TVHK?
- Hàng không là nghề hội nhập nên giáo trình hoàn toàn bằng tiếng Anh. Việc làm quen và thuộc các thuật ngữ kỹ thuật là điều vô cùng khó khăn đối với các học viên. Thời điểm đó, trường chỉ có 1 khoang cabin hành khách rất đơn sơ, bên trong không có ghế hay bất kỳ vật dụng gì, đơn giản chỉ để học viên hình dung ra không gian làm việc. Mọi thứ đều xem qua tài liệu, hình ảnh và có cả sự tưởng tượng của mình nữa.
* Vậy khi lên thực tập trên tàu bay, cảm giác của chị ra sao?
- Khóa đào tạo kéo dài khoảng 7 tháng và thêm 3 tháng thực tập. Mỗi chuyến bay thực tập cách nhau cả nửa tháng nên khi lên tàu bay, chúng tôi tận dụng hết thời gian hỏi và hỏi liên tục để ôn lại kiến thức.
Chuyến bay thực tập thứ nhất là chặng TP.HCM - Hà Nội trên tàu B737-400. Nói thật, đó là lần đầu tiên trong đời tôi đặt chân lên chiếc máy bay thật (cười…). Đêm hôm trước, tôi chẳng thể nào ngủ nổi, cứ bồn chồn, hồi hộp, lo lắng không thể tả được. Cảm giác đó không bao giờ tôi quên.
Lúc đó, bất kể kiến thức, kỹ năng, lưu ý nào được các anh chị truyền dạy, tôi đều cẩn thận ghi chép vào sổ tay để về nhà đọc lại, đồng thời phải nhớ những hình ảnh mình đã thấy. Hồi đó không có máy ảnh hay điện thoại để ghi lại, nên đôi khi tôi phải tự vẽ ra giấy.
* Nhiều bạn trẻ rất muốn theo đuổi giấc mơ bay, trở thành TVHK, nhưng lại băn khoăn vì không hiểu hết về nghề. Theo chị, điều khó khăn nhất với một TVHK là gì?
- Làm chủ và chiến thắng cảm xúc cá nhân. Các TVHK khi thực hiện nhiệm vụ đều phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về an toàn và an ninh của Việt Nam và quốc tế. Họ cũng được kiểm tra năng lực định kỳ.
Ngoài kiến thức, kỹ năng buộc phải có, sự khác biệt và chuyên nghiệp của TVHK thể hiện ở ý chí và thái độ phục vụ. Khoác lên mình bộ đồng phục và bước chân vào khoang hành khách, TVHK chính là đại diện của hãng bay. Vì vậy, phải bỏ bên ngoài tàu bay mọi cảm xúc cá nhân để thực hiện nhiệm vụ tập trung nhất. Lúc cần quyết đoán, mạnh mẽ, lúc phải mềm mỏng, linh hoạt để hành trình bay vừa an toàn, vừa mang lại sự thoải mái, niềm vui cho hành khách.
* Có phải vì thế mà chị rất khắt khe với các học viên?
- (cười…) Đúng đó. Công việc của một giáo viên huấn luyện an toàn bay không cho phép mình được dễ dàng với học viên, đôi khi phải tạo rất nhiều áp lực, đặt học viên vào tình huống khó khăn nhất để hiểu được tính chất của những trường hợp như vậy, để học cách phản xạ nhanh, đưa ra quyết định chính xác và làm quen với áp lực công việc, hướng đến điều duy nhất là đảm bảo an toàn bay.
Bài học đầu tiên tuy dễ mà khó, tuy khó mà dễ, chính là học cách chào hỏi và nở nụ cười thân thiện. Suốt chặng đường làm nghề, tôi nhận ra sự chào hỏi và nụ cười rất quan trọng. Nếu bạn không thể nở nụ cười và gửi một lời chào tới bạn bè, đồng nghiệp của mình thì bạn không thể giao tiếp tốt với hàng trăm hành khách xa lạ mỗi ngày. Thậm chí, cười một cái thôi, tự bạn cũng phần nào quên đi những mệt mỏi, giữ được trạng thái tươi tỉnh, vui vẻ trong suốt chuyến bay.
Thực ra, nghề nào cũng có khó khăn, vất vả. Nhưng TKHV không còn là nghề xa xỉ với các bạn trẻ. Bất cứ ai có đam mê và quyết tâm, người đó sẽ hiện thực hóa được giấc mơ bay.
* Bây giờ đứng trên bục giảng, chị còn nhớ những lần đi bay không?
- Nhớ chứ. Tôi từng làm TVHK tại Pacific Airlines, Jetstar. Sau này, Vietjet là một bước ngoặt lớn trong sự nghiệp. Thầy Trần Hữu Quốc (Giám đốc Học viện Hàng không Vietjet – PV) vừa là người anh trong nghề, vừa là người thầy và cũng là một trong những người đặt nền móng vững chắc cho tôi vào nghề, khuyến khích tôi thi lên tiếp viên trưởng, rồi thi lên giáo viên.
Nghề của tôi là mỗi 3-6 tháng đều phải đi bay. Lúc đó vui lắm, trước ngày đi bay, tôi phải làm tóc, sơn móng tay, chăm sóc da rồi chuẩn bị đồng phục, vật dụng, vẫn hồi hộp trông đợi gặp hành khách… Thực ra, tôi hay bất cứ ai ở Vietjet cũng vậy, được bước lên tàu bay, được phục vụ hành khách là thấy vui vì Vietjet là một trong những hãng hàng không khuyến khích tạo ra chất năng động, trẻ trung của đội ngũ, đúng với tinh thần phục vụ của một hãng bay thế hệ mới.
* Trải qua gần 20 năm gắn bó với nghề, chị nhận thấy những sự thay đổi nào của ngành hàng không?
- Như một trang mới! Từ những vị khách lạ lẫm với tàu bay, bỏ dép dưới thang vì sợ làm bẩn thảm, đến nay, hành khách từ mọi vùng quê xa xôi đã được tiếp cận và làm quen với loại hình giao thông văn minh, hiện đại này, đặc biệt từ khi Vietjet trở thành hãng hàng không thân thuộc của mọi người. Đi máy bay đã không còn là điều xa lạ nữa.
Đến nay, số lượng sân bay, đường bay, tàu bay tăng lên, tạo điều kiện bay nhiều hơn cho học viên trẻ, tạo thu nhập cho người làm nghề và tạo cơ hội cho người dân khắp thế giới đi đây đi đó với giá rẻ, tiết kiệm thời gian mà văn minh, hiện đại. Việc đào tạo nhân lực hàng không cũng đã tốt hơn, được đầu tư bài bản từ cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, nhân sự và công nghệ, hỗ trợ tối đa cho việc huấn luyện, đặc biệt là việc thực hành cùng các thiết bị, mô hình mô phỏng khoang hành khách… Đó là một sự phát triển vượt bậc mà tôi cảm nhận rõ sau gần 20 năm gắn bó với nghề.
Nội dung: MINH HUYỀN
Hình ảnh: T.T.DŨNG
Thiết kế: HẢI PHI
Concept: BẢO SUZU
Bài viết liên quan
“Ngành hàng không đã chọn mình”
2020-12-03 08:59:49
Chàng Phi công 9x điển trai nhắn nhủ: "If you have a dream, go for it!"
2020-12-16 09:40:12
2 nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam
2020-12-22 09:05:17
Chuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”
2021-01-05 09:55:31
Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ít ai ngờ rằng cô gái trẻ sinh năm 1993 Nguyễn Thu Hằng - Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS lại lựa chọn một công việc có vẻ khá nặng nhọc và “hơi khó nhằn” dành cho phái nữ, bên cạnh rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề kiểm soát tải.
Cơ trưởng Duy Anh: “Nghề cho mình góc nhìn và cảm nhận mới lạ về cuộc sống”
2021-01-07 08:49:31
Bên cạnh niềm đam mê bầu trời từ khi còn nhỏ, Cơ trưởng Nguyễn Bá Duy Anh còn tự nhận mình có mối duyên đặc biệt với ống kính nhiếp ảnh
Điểm tin Hàng không
Tin mới
- VNAS ĐÓN NHẬN CHỨNG NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ISO 9001:2015(2024-11-20 15:22:31)
- TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP, CHỌN NGHỀ CHO HỌC SINH THPT PHAN BỘI CHÂU(2024-11-13 19:42:17)
- VĂN PHÒNG TUYỂN SINH HẢI DƯƠNG HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU(2024-11-08 22:39:01)
- TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT VŨ NGỌC PHAN(2024-11-07 20:15:48)
- VIETJET TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN THÁNG 12/2024(2024-11-06 10:31:45)
- 5 MẸO ĐỂ TỰ TIN TRONG BUỔI PHỎNG VẤN(2024-10-28 13:14:05)
- HƯỚNG NGHIỆP VỚI CHỦ ĐỀ “CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP NGÀNH HÀNG KHÔNG” CHO HỌC SINH THPT HUYỆN VĨNH LINH(2024-10-26 17:04:59)
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC TIẾNG ANH THI TUYỂN NGÀNH HÀNG KHÔNG KHI BỊ MẤT GỐC?(2024-10-24 10:31:25)
- TÂM LÝ KHI ĐỐI DIỆN VỚI THẤT BẠI TRONG THI TUYỂN - ĐỪNG TỪ BỎ, THÀNH CÔNG ĐANG CHỜ ĐỢI BẠN! (2024-10-24 10:24:55)
- KHÓA HỌC TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM(2024-10-21 10:05:15)
Copyright © 2020 CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM