• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Nối lại đường bay nội địa: Lực đẩy để phục hồi kinh tế sau dịch Covid-19

  • 2021-10-11 19:18:56
  • Việc Hà Nội và nhiều địa phương trên cả nước đồng ý nối lại đường bay nội địa từ ngày 10/10 được đánh giá sẽ mang đến lực đẩy lớn để phục hồi kinh tế, nhất là lĩnh vực hàng không và du lịch sau thời gian dài ngưng trệ vì dịch bệnh Covid-19.

    Các đường bay nội địa đã chính thức được nối lại sau thời gian dài đứt gãy vì dịch bệnh Covid-19 (Ảnh: Phi Long).

    Chính thức nối lại đường bay nội địa

    Sau một thời gian ngắn tiến hành nghiên cứu và đàm phán nhằm đưa ra phương án phù hợp nhất, UBND TP Hà Nội đã thống nhất với Bộ GTVT về việc mở 2 đường bay nội địa từ ngày 10/10. Cụ thể, TP Hà Nội đề xuất với Bộ GTVT mở 2 đường bay từ Hà Nội đi TP Hồ Chí Minh và Đà Nẵng từ ngày 10 - 20/10 (giai đoạn 1). Hai đường bay trên sẽ có tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày.

    Phía TP Hà Nội nhấn mạnh, quan điểm của TP là phải bảo vệ an toàn tuyệt đối cho Thủ đô nên việc phục hồi vận tải hành khách phải thận trọng và có phương án, giải pháp và lộ trình rất cụ thể.

    Đây là lý do trước đó, vào đầu tháng 10/2021 - khi Bộ GTVT xúc tiến lấy ý kiến các địa phương về việc mở lại đường bay nội địa để đảm bảo phòng, chống dịch, TP Hà Nội đã có văn bản báo cáo Thủ tướng, đề nghị chỉ đạo Bộ GTVT chưa mở lại đường bay nội địa đến thủ đô.

    Đồng thời, trong văn bản trả lời Cục Hàng không Việt Nam, UBND TP Hà Nội đề nghị làm rõ nhiều nội dung như tiêu chí với hành khách đi máy bay, khách phải thuộc vùng xanh. Với hành khách thuộc vùng có mức độ dịch ở cấp 3 - 4 cần được sự cho phép của chính quyền nơi đi và sự tiếp nhận của nơi đến.

    Tuy nhiên, sau khi tiến hành nghiên cứu và bàn bạc với Bộ GTVT, Cục Hàng không Việt Nam và các cơ quan liên quan nhằm tìm ra phương án tối ưu nhất, vừa có thể nối lại các đường bay nội địa đi/đến Hà Nội, vừa đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng dịch, UBND TP Hà Nội và Bộ GTVT đã đi đến thống nhất sẽ mở lại 2 đường bay từ ngày 10/10.

    Việc nối lại đường bay nội địa đến Thủ đô Hà Nội, một trong hai trung tâm kinh tế, văn hóa và chính trị lớn nhất cả nước (cùng với TP Hồ Chí Minh) được các chuyên gia đánh giá sẽ là tiền đề quan trong để phục hồi kinh tế sau dịch bệnh. Đồng thời, đây cũng sẽ là động lực lớn giúp ngành hàng không và du lịch, hai trong số những lĩnh vực chịu thiệt hại nặng nề nhất của dịch bệnh Covid-19 có thể phục hồi trở lại.

    Ngay sau khi nhận được sự đồng thuận của TP Hà Nội về việc nối lại đường bay nội địa, Bộ GTVT đã lập tức ban hành quy định tạm thời triển khai các đường bay nội địa chở khách thường lệ để áp dụng đối với hoạt động vận tải hành khách nội địa bằng đường hàng không trên phạm vi toàn quốc và thực hiện thí điểm từ ngày 10 - 20/10/2021.

    Theo đó, trong thời gian trên, mỗi ngày sẽ có 38 chuyến bay, gồm 13 chuyến từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh Bình Định, Đà Nẵng, Huế, Khánh Hòa, Nghệ An, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Nam, Thanh Hóa, Hải Phòng, Phú Quốc, Gia Lai, Rạch Giá với tần suất 1 chuyến khứ hồi mỗi ngày. Từ Hà Nội mỗi ngày có 1 chuyến khứ hồi đi TP Hồ Chí Minh và một chuyến khứ hồi đi Đà Nẵng.

    Ngoài ra còn có 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Cần Thơ, 1 chuyến khứ hồi Đà Nẵng - Đắk Lắk, 1 chuyến khứ hồi Hà Nội - Cần Thơ và một chuyến khứ hồi Thanh Hóa - Lâm Đồng. Riêng đường bay Hà Nội - Cần Thơ sẽ được khai thác linh hoạt khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

    Trong thời gian thực hiện thí điểm, Bộ GTVT sẽ tổng hợp tình hình, sơ kết đánh giá, phối hợp các địa phương để đề xuất Thủ tướng Chính phủ việc bổ sung, điều chỉnh kế hoạch khai thác cho phù hợp với tình hình thực tế trong giai đoạn tiếp theo.

    Ngành hàng không cấn nắm bắt thời điểm vàng này để phục hồi sản xuất, kinh doanh (Ảnh: Hà Thanh).

    Nắm bắt “thời điểm vàng” để phục hồi kinh tế

    Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Ngô Trí Long – chuyên gia kinh tế nhận định, việc nối lại thành công các đường bay nội địa có ý nghĩa rất lớn trong việc giúp ngành hàng không và du lịch có thể phục hồi kinh doanh, sản xuất sau một thời gian dài ngưng trệ. Đây cũng sẽ là tiền đề để thực hiện mục tiêu kép vừa phòng, chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

    “Sau một thời gian dài chiến đấu với dịch bệnh Covid-19, chúng ta đã hiểu được đây sẽ là cuộc chiến còn kéo dài chứ không thể kết thúc trong một sớm một chiều. Việc đảm bảo các hoạt động sản xuất kinh doanh trong bối cảnh vẫn chiến đấu với dịch bệnh sẽ là yêu cầu quan trọng hàng đầu để nền kinh tế đất nước đảm bảo được nguồn nội lực cho một cuộc chiến kéo dài” – PGS.TS Ngô Trí Long phân tích.

    Riêng đối với ngành hàng không, PGS.TS Ngô Trí Long cho rằng, việc nối lại được các đường bay nội địa trong thời gian này là một thành công rất lớn, mang ý nghĩa sống còn đối với những DN hàng không. “Không nói thì ai cũng thừa hiểu, đối với các DN vận tải hành khách nói chung và vận tải hành khách bằng đường hàng không nói riêng, nguồn sống nằm hết ở sự vận động. Chỉ có được bay, được chở khách thì họ mới có thể tồn tại còn một khi máy bay nằm đất, dù có được hỗ trợ hay giải cứu như thế nào đi chăng nữa, sớm muộn họ cũng không cầm cự được” – PGS.TS Ngô Trí Long khẳng định.

    Với những tín hiệu tích cực, rõ ràng các hãng hàng không phải khẩn trương hơn nữa để tận dụng tối đa "thời cơ vàng" để khôi phục kinh doanh sản xuất. Từ đó mang đến lực đẩy giúp cho chính họ thoát khỏi vũng lầy suy thoái mà dịch bệnh Covid-19 tạo ra trong thời gian qua.

    PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không nhấn mạnh, việc nối lại các đường bay nội địa lần này chỉ là bước khởi đầu cho một chiến lược phục hồi sản xuất kinh doanh dài hơi hơn của ngành hàng không và du lịch. Do đó, các hãng hàng không phải làm thật tốt trong giai đoạn nhạy cảm này.

    Giai đoạn 1 của kế hoạch nối lại đường bay nội địa lần này sẽ kéo dài 10 ngày. Đây là thời gian rất nhạy cảm và quan trọng, sẽ quyết định việc kế hoạch sẽ tiếp tục kéo dài nữa hay không hay sẽ phải dừng lại. Do đó, Bộ GTVT, các địa phương, cơ quan liên quan và nhất là những hãng hàng không phải làm thật tốt trong thời gian quan trọng này. Trong đó, quan trọng nhất là công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

    “Việc kiểm tốt sự lây lan của dịch bệnh trên những chuyến bay lần này là vô cùng quan trọng. Đây sẽ là thước đo để đánh giá xem chúng ta đã sẵn sàng mở lại các đường bay nội địa thường lệ và xa hơn là nối lại các đường bay quốc tế hay chưa?” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhấn mạnh.

    Việc nối lại những chuyến bay nội địa thường lệ chỉ là sự khởi đầu và mang tính chất ngắn hạn vào lúc này đối với ngành hàng không. Còn chiến lược lâu dài nhất vẫn là phải sớm triển khai được các chuyến bay có “hộ chiếu vaccine”. Bởi đây không chỉ là giải pháp giúp ngành hàng không phục hồi hoàn toàn sau đại dịch mà còn mang đến lực đẩy cho “người anh em” của hàng không là ngành du lịch.

    “Nhiều nước trên thế giới đã và đang triển khai các chuyến bay “hộ chiếu vaccine” tương đối thành công. Chúng ta cần phải tốc độ hơn nữa để nắm bắt thời cơ vàng cho ngành hàng không và du lịch sớm được phục hồi” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

    Cùng với việc đồng ý nối lại đường bay nội địa đi/đến sân bay Nội Bài, UBND TP Hà Nội yêu cầu khách từ sân bay Tân Sơn Nhất cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của TP hoặc các cơ sở lưu trú (khách sạn) do TP công bố. Sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nhà 7 ngày. Với khách từ sân bay Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại TP Hà Nội thực hiện cách ly tại nơi lưu trú/nhà trong thời gian 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú/nhà 7 ngày tiếp theo. Yêu cầu của TP Hà Nội được đánh giá là phù hợp và cần thiết theo tinh thần chỉ đạo của Trung ương nhằm đảm bảo công tác phòng, chống dịc bệnh Covid-19 tại Thủ đô cao hơn một mức so với các địa phương khác.

    Nguồn: kinhtedothi.vn

    • facebook