• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Phát triển du lịch hàng không chung: Tháo gỡ những nút thắt

  • 2021-04-19 09:49:31
  • Hàng không chung được hiểu là hoạt động kinh doanh hàng không nhằm mục đích sinh lợi từ tàu bay dân dụng (gồm: Thủy phi cơ, trực thăng, khinh khí cầu, trực thăng cứu hộ, cứu nạn...). Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đã khai thác các phương tiện hàng không chung để tạo thành sản phẩm du lịch hấp dẫn. Nhưng để lĩnh vực hàng không chung phát triển mạnh mẽ hơn, điều quan trọng nhất là phải tháo gỡ các “nút thắt” còn tồn tại.

                                        Bay thủy phi cơ ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao.

    Trải nghiệm độc đáo

    Mặc dù dịch Covid-19 gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, vận chuyển nhưng trong năm 2020, Công ty Trực thăng miền Bắc (VNHN, thuộc Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam) vẫn khai trương dịch vụ bay trực thăng Bell 505 phục vụ du khách ngắm toàn cảnh quần thể danh thắng Tràng An (Ninh Bình) từ trên cao.

    Trước đó, cuối năm 2019, VNHN đã mở đường bay ngắm sông Hồng và khu vực phía Đông Hà Nội với các điểm tham quan như cầu Long Biên, cầu Nhật Tân, Khu di tích Cổ Loa, Làng gốm Bát Tràng, Sân golf Long Biên...

    Ngoài ra, Công ty Trực thăng miền Bắc đã khai thác dịch vụ ngắm cảnh vịnh Hạ Long (Quảng Ninh) từ nhiều năm trước; dự kiến trong năm 2021 sẽ triển khai tuyến bay ngắm Di tích quốc gia đặc biệt ruộng bậc thang Mù Cang Chải (Yên Bái) định kỳ một năm hai lần vào mùa lúa chín và mùa nước đổ.

    Tại các vùng, miền khác trong cả nước, Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam cũng có dịch vụ trực thăng du lịch bay tới Côn Đảo, Bà Rịa - Vũng Tàu hay Đà Nẵng... Chưa hết, đơn vị này còn dự định triển khai dịch vụ bay khinh khí cầu ngắm bình minh trên thành phố Bà Rịa - Vũng Tàu với quãng đường từ 10 đến 20km, thời gian bay từ 45 phút đến 60 phút. Các dịch vụ này hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm khác biệt.

    Là một trong 3 đơn vị khai thác các hoạt động hàng không chung vào phát triển sản phẩm du lịch tại Việt Nam, Hãng hàng không Hải Âu (Hai Au Aviation) được biết đến với dịch vụ bay thủy phi cơ thăm vịnh Hạ Long có giá khá “mềm”, chỉ 1.500.000 đồng/người cho chặng bay ngắm cảnh 25 phút. Nhờ giá cả hợp lý, trải nghiệm độc đáo nên các chuyến bay của Hai Au Aviation luôn kín chỗ, du khách phải đăng ký trước. Hiện nay, công suất phục vụ khách trung bình của hãng hàng không này là 8 - 12 chuyến/ngày, mỗi chuyến tối đa 12 khách. Ngoài dịch vụ bay ngắm cảnh, Hai Au Aviation còn có các dịch vụ khác như bay hành trình, bay thuê chuyến...

    Chị Trần Hoàng Phương Linh, một du khách đến từ Hà Nội chia sẻ: “Sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, gia đình tôi tự đặt tour bay thủy phi cơ ngắm cảnh vịnh Hạ Long từ trên cao kết hợp với dịch vụ nghỉ dưỡng trên du thuyền. Đây thực sự là một sản phẩm du lịch hấp dẫn mang đến những trải nghiệm tuyệt vời”.

    Tăng cường đào tạo nhân lực trong nước

    Việt Nam được đánh giá là thị trường sôi động, nhiều tiềm năng để phát triển hàng không chung trong khu vực. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực mới mẻ, chưa được quan tâm đầu tư, phát triển tương xứng với tiềm năng.

    Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), Chủ tịch HĐQT Hãng hàng không Hải Âu chia sẻ: “Hàng không chung là loại hình hàng không cơ sở, có tầm quan trọng đối với việc phát triển ngành Hàng không. Ở các nước trên thế giới, cứ 1 tàu bay to phải có 10 tàu bay nhỏ. Nhưng ở Việt Nam, thực tế ngược lại, số lượng tàu bay to rất nhiều trong khi rất ít tàu bay nhỏ. Để ngành Hàng không phát triển, cần đầu tư mạnh mẽ cho hàng không chung về cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, nguồn nhân lực... Bên cạnh đó, hàng không chung cũng góp phần tạo ra các sản phẩm du lịch khác biệt”.

    Được đánh giá có nhiều tiềm năng phát triển hàng không chung nhưng so với các nước trong khu vực, Việt Nam vẫn thuộc nhóm kém phát triển. Hiện chỉ có Tổng Công ty Trực thăng Việt Nam và Hai Au Aviation hoạt động trong lĩnh vực hàng không chung với tổng số 35 trực thăng và thủy phi cơ - một con số khiêm tốn so với các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia...    

    Lý giải nguyên nhân khiến lĩnh vực hàng không chung chưa phát triển, ông Trần Trọng Kiên cho rằng, có 5 “nút thắt” cần tháo gỡ, đó là: Cần có quy hoạch bầu trời và các chính sách tự do hóa lĩnh vực hàng không chung; đầu tư cơ sở hạ tầng gồm hệ thống sân bay, bãi đỗ, nhà ga; xây dựng các cơ sở chuyên sửa chữa tàu bay vừa và nhỏ; thành lập cơ sở đào tạo nguồn nhân lực (phi công, nhân viên kỹ thuật...) có trình độ, tay nghề đạt tiêu chuẩn quốc tế.

    “Việc đào tạo nguồn nhân lực trong nước vô cùng quan trọng trong bối cảnh khan hiếm nguồn nhân lực quốc tế phục vụ hàng không chung khi dịch Covid-19 xảy ra. Đào tạo nhân lực trong nước không chỉ giúp khắc phục tình trạng thiếu lao động, mà còn tạo việc làm, phát triển bền vững lĩnh vực hàng không chung cũng như ngành Hàng không và ngành Du lịch nói chung”, ông Kiên nói.

    Theo: Báo Hà Nội mới

    • facebook