Chuyện nghề
Phụ nữ lái máy bay cũng không có gì khác nam giới
Sau 10 năm trên khoang lái, tôi thấy việc mình là phi công nữ không ảnh hưởng gì trong công việc. Trên cơ quan thì được anh chị em đồng nghiệp thân ái giúp đỡ. Ở nhà thì cha mẹ đồng thuận... đó là những chia sẻ rất chân thành của nữ Cơ trưởng A321 Nguyễn Ly Hương.
Có lẽ nhiều người ngạc nhiên khi biết rằng, trước khi thi tuyển làm phi công, tôi đã tốt nghiệp Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội. Nhưng tôi thường nói đùa: Dù sao, tôi vẫn công tác trong ngành vận tải mà!
Tôi sinh một ngày cuối tháng 10/1983 tại Lào Cai. Tốt nghiệp cấp ba, tôi thi tuyển vào Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội, học ngành quy hoạch quản lý giao thông. Từ nhỏ tôi đã mê nghề lái máy bay rồi, nhưng lúc đó đâu đã có hãng nào tuyển phi công nữ.
Thế rồi đến khi tôi vừa tốt nghiệp ra trường, thì đọc được quảng cáo trên báo nói Vietnam Airlines tuyển học viên phi công, có cả nữ, mừng quá, tôi làm hồ sơ nộp ngay.
Lúc đó tôi cũng nghĩ là thử sức thôi, còn vừa dự thi vừa nộp hồ sơ vào một công ty công trình, đã đi làm mấy tháng rồi. Tôi may mắn được gia đình hết sức ủng hộ, kể cả khi đi thi tuyển phi công, bố mẹ chỉ lo là không học nổi thôi. Mẹ tôi bảo tôi hãy suy nghĩ kỹ càng trước khi quyết định, nhưng tất nhiên, tôi đã suy nghĩ rất kỹ rồi. Còn sau đó thì bố mẹ ủng hộ tôi rất nhiều về mặt tinh thần. Còn về chi phí học thì may quá, lúc tôi thi vào, vẫn là khóa được Tổng công ty bao cấp toàn bộ.
Thế rồi tôi may mắn vượt qua hết tất cả các vòng thi. Đến khi trúng tuyển, đành xin nghỉ việc để quyết định theo đuổi niềm đam mê. Tính tôi luôn quyết đoán như vậy, và tôi chưa bao giờ hối hận về các quyết định của mình.
Cơ trưởng Nguyễn Ly Hương.
Tôi bắt đầu vào học dự khoá tại trung tâm huấn luyện bay (FTC) từ tháng 1/2006. Sau đó đến tháng 1/2007 tôi vượt qua kì thi tuyển cùng 20 bạn đi học đào tạo phi công cơ bản tại trường đào tạo phi công ESMA, thành phố Montpellier, nước Pháp. Cùng lứa với tôi có chị …. Thủy, sau này hai chị em trở thành hai phi công nữ người Việt đầu tiên của Vietnam Airlines.
Sang Pháp học mới thấy bên đó học viên phi công nữ khá nhiều. Nhưng khóa của tôi học, do phía bạn đào tạo riêng cho Vietnam Airlines nên chỉ có mấy chị em thôi. Hai chị em vẫn cố gắng theo kịp tất cả các bài tập ở lớp. Phụ nữ có ưu điểm là cẩn thận, chăm chỉ, nên cũng có một số thuận lợi nhất định. Yêu cầu chung với học viên là phải có một trình độ nhất định để tiếp thu được bài. May là hai chị em chúng tôi đều đã tốt nghiệp đại học, nên tiếp thu cũng tốt. Tất nhiên thể lực của nữ thì không bằng nam, nhưng cũng không phải là quá khó và sau một thời gian, chúng tôi đều thích nghi được hết.
Từng có rất nhiều người hỏi tôi cảm giác khi cầm lái lần đầu tiên thế nào. Chúng tôi, nam cũng như nữ, khi lần đầu thực hành bài bay, dù có thầy ngồi bên cạnh cũng đều có chút bỡ ngỡ. Nhưng chỉ bỡ ngỡ phút đầu thôi, rồi sau đó đều phải tập trung vào bài bay, đâu còn để ý đến gì xung quanh nữa.
Nhìn lại thời gian học ở Pháp, tôi lại thấy nhẹ nhàng, nhưng lúc học thì quả thật cũng “toát mồ hôi”, vì có rất nhiều môn thi, nhiều môn phụ trợ, môn nào cũng bắt buộc phải đạt mới đủ tiêu chuẩn tốt nghiệp.
Ly Hương là một trong nữ phi công đầu tiên của Việt Nam.
Tháng 10/2008 tôi hoàn thành khoá học và gia nhập đội bay ATR 72, Đoàn Bay 919. Từ tháng 11/2009 đến 11/2011, tôi công tác với vị trí cơ phó máy bay ATR 72. Ở Đoàn Bay cũng như ở đội bay, tôi luôn được các anh nhiệt tình chỉ dạy, nên tiến bộ dần theo thời gian.
Trong giai đoạn từ tháng 12/2011 đến tháng 3/2013, tôi nghỉ sinh em bé nên tạm dừng công việc lái máy bay và thực hiện việc giảng dạy cho các phi công chuyển loại máy bay ATR 72 ở vị trí giáo viên lý thuyết. Trong thời gian này, tôi đã dạy lý thuyết an toàn bay cho rất nhiều khóa học viên.
Sau khi quay trở lại với công việc lái máy bay thì đến tháng 9/2014 tôi chuyển ghế nâng cấp thành cơ trưởng máy bay ATR 72. Đến tháng 8/2018, tôi đi học chuyển loại lên Cơ trưởng A321.
Với Cơ trưởng Nguyễn Ly Hương, hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa phi công nam và nữ.
Tôi có thể khẳng định là trong công việc, hoàn toàn không có sự phân biệt nào giữa phi công nam và nữ. Bởi vì hàng không là một ngành đặc thù, liên quan đến sự an toàn của hành khách, nên tất cả phi công đều phải đạt một trình độ, tiêu chuẩn như nhau. Tất cả đều phải có tính trách nhiệm cao và luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của mình. Ai cũng phải đều đặn vượt qua các bài kiểm tra SIM, kiểm tra sức khỏe, kiểm tra các môn phối hợp hằng năm, nếu không đạt là phải làm lại đến đạt mới được bay.
Trên máy bay cũng vậy, dù ở vị trí cơ trưởng hay lái phụ, thì phi công cả nam lẫn nữ đều luôn phải thực hiện tất cả các thao tác với độ chuẩn xác như nhau.
Do đó, phi công nữ chúng tôi cũng được sắp xếp lịch bay như tất cả các đồng nghiệp khác, cứ đến lịch được phân công là lên đường. Chỉ có một chút khác biệt là phụ nữ sẽ gặp khó khăn hơn các đồng nghiệp nam trong việc chăm sóc con cái. Như có hôm phải đi từ 4 giờ sáng, có hôm bay muộn đến 2 giờ sáng mới về đến nhà, hoặc có khi phải ngủ lại sân bay đầu kia để chờ chuyến sau bay về. Nhưng thường hôm nào bay sớm thì chiều lại được nghỉ, hoặc ngược lại, nên nói chung vẫn có thời gian để dành cho gia đình, nếu biết thu xếp tốt.
Sau 10 năm trên khoang lái, tôi thấy việc mình là phi công nữ không ảnh hưởng gì trong công việc. Trên cơ quan thì được anh chị em đồng nghiệp thân ái giúp đỡ. Ở nhà thì cha mẹ đồng thuận, thường xuyên chạy qua chạy lại giúp đỡ việc nhà, chăm sóc con cái, nhờ đó vợ chồng tôi đều yên tâm công tác.
Ly Hương chia sẻ: Là phi công nữ không ảnh hưởng gì trong công việc.
Là phi công nữ đi bay cũng có nhiều kỷ niệm thú vị, nhất là những chuyến bay ngày Tết, tổ bay thường gặp gỡ, chúc Tết hành khách, rồi còn lì xì cho nhau, ai cũng vui vẻ, chúc nhau có một năm suôn sẻ. Tôi chưa có dịp nào được chở bố mẹ bay trên máy bay mình lái, vì thường lúc tôi bay, bố mẹ hay ở nhà trông con. Tuy nhiên, tôi cũng nhiều lần được chở các bạn cùng lớp đại học rồi. Các bạn nghe trên loa thông báo chuyến bay hôm nay do cơ trưởng Nguyễn Ly Hương điều khiển, thường nhắn tin, post facebook cho tôi, cũng rất thú vị.
Môi trường làm việc trong Đoàn Bay cũng rất đặc biệt, theo lịch điều độ, mỗi chuyến bay chúng tôi lại có một “partner” khác nhau, không bao giờ lặp lại. Công việc của mỗi thành viên trên buồng lái tuy độc lập nhưng lại luôn có sự gắn kết, phối hợp nhịp nhàng với nhau, nên từ những partner của mình, chúng tôi học hỏi được vô vàn kinh nghiệm quý báu. Chúng tôi luôn đề ra các quy tắc làm việc là Độc lập – Tự chủ - Trách nhiệm.
Tôi tự nhận thấy là nữ phi công có mỗi một điểm hạn chế là mối quan hệ xã hội không rộng bằng các bạn làm các ngành nghề khác. Nhưng trong ngành, chúng tôi quen biết rất nhiều anh em ở khắp các bộ phận, các địa điểm, thường xuyên tiếp xúc làm việc với nhau nên hầu như đã biết nhau là đều có tình cảm quý mến.
Hiện nay vợ chồng tôi đã có một con gái 6 tuổi. Chồng tôi cũng làm trong ngành hàng không nên rất hiểu và thông cảm với công việc của tôi. Chúng tôi đã xây nhà ở bên quận 2, thành phố Hồ Chí Minh, bố mẹ tôi đã chuyển vào ở gần nhà chúng tôi, nên rất tiện chạy đi chạy lại. Có người hỏi sao xây nhà ở xa cơ quan thế, tôi trả lời là chọn nhà ở đó để tiện việc học cho con và ông bà giúp đưa đón con. Còn nhà xa thi mỗi khi đi làm, tôi chủ động đi sớm hẳn lên để tránh tắc đường.
Mọi người cũng hay tò mò xem nữ phi công thì có “nữ tính” như các ngành nghề khác không. Tôi cũng thích ăn ngon, mặc đẹp như mọi người thôi. Là phụ nữ mà, tôi cũng thích mua sắm váy áo, thời trang như các bạn nữ khác, chỉ có điều tôi không thích các mẫu váy áo màu mè, phù phiếm, mà thường lựa chọn những trang phục đơn giản nhưng trang trọng.
Còn sở thích của tôi thì rất nhiều: thích đọc sách, xem phim để giải trí, ngoài ra có thời gian thì thích đi du lịch cùng gia đình. Nay con tôi đã đi học, tôi cũng thường xuyên đọc sách với con để hiểu con hơn, ngoài ra là đọc truyện giải trí và các sách có liên quan đến ngành để nắm thêm thông tin.
Tôi tự hào khẳng định rằng, bạn bè, đồng nghiệp trong công ty đều rất tốt, thoải mái và đáng tin cậy. Tôi rất thích môi trường làm việc và các bạn đồng nghiệp như vậy.
Tôi tâm niệm, là phi công thì dù là nam hay nữ, đều luôn phải duy trì năng lực làm việc và tính chuyên nghiệp của mình. Còn ước mơ của tôi thì rất giản dị: Tôi chỉ mong cất cánh 1.000 chuyến bay đều an toàn!
Theo: VNA Spirit
Bài viết liên quan
“Ngành hàng không đã chọn mình”
2020-12-03 08:59:49
Chàng Phi công 9x điển trai nhắn nhủ: "If you have a dream, go for it!"
2020-12-16 09:40:12
2 nữ phi công 9X đầu tiên của hàng không Việt Nam
2020-12-22 09:05:17
Chuyện về cô gái nhỏ, gắn bó với nghề “cân máy bay”
2021-01-05 09:55:31
Tốt nghiệp ĐH Bách Khoa, ít ai ngờ rằng cô gái trẻ sinh năm 1993 Nguyễn Thu Hằng - Trung tâm Kiểm soát tải VIAGS lại lựa chọn một công việc có vẻ khá nặng nhọc và “hơi khó nhằn” dành cho phái nữ, bên cạnh rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp khác, nghề kiểm soát tải.
Cơ trưởng Duy Anh: “Nghề cho mình góc nhìn và cảm nhận mới lạ về cuộc sống”
2021-01-07 08:49:31
Bên cạnh niềm đam mê bầu trời từ khi còn nhỏ, Cơ trưởng Nguyễn Bá Duy Anh còn tự nhận mình có mối duyên đặc biệt với ống kính nhiếp ảnh
Điểm tin Hàng không
Tin mới
- NGÀY HỘI TƯ VẤN, HƯỚNG NGHIỆP CHO CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ THAM GIA CAND TỈNH VĨNH PHÚC(2025-01-08 15:17:53)
- VNAS ĐỒNG HÀNH CÙNG CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ: ĐỊNH HƯỚNG NGHỀ NGHIỆP NGÀNH HÀNG KHÔNG(2025-01-07 19:46:47)
- HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ HÀNG KHÔNG CHO CHIẾN SĨ TIỂU ĐOÀN 172: CƠ HỘI PHÁT TRIỂN NGHỀ NGHIỆP VỮNG CHẮC(2025-01-07 13:10:45)
- NGÀNH HÀNG KHÔNG: CƠ HỘI VIỆC LÀM CHO HỌC SINH THPT NGUYỄN VĂN CỪ HẢI DƯƠNG(2025-01-04 20:22:00)
- TRUYỀN THÔNG, HƯỚNG NGHIỆP NGÀNH NGHỀ HÀNG KHÔNG CHO CHIẾN SĨ NGHĨA VỤ THAM GIA CAND CHUẨN BỊ XUẤT NGŨ(2025-01-02 16:12:28)
- TUYÊN TRUYỀN, TƯ VẤN DẠY NGHỀ VÀ GIỚI THIỆU VIỆC LÀM CHO HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ CHUẨN BỊ HẾT HẠN TẠI NGŨ NĂM 2025(2025-01-02 15:17:30)
- HÀNG KHÔNG: CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP CHO HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ TRẠI GIAM B14(2025-01-02 14:29:10)
- CƠ HỘI CHO CHIẾN SỸ NGHĨA VỤ: VNAS KẾT NỐI CƠ HỘI NGHỀ HÀNG KHÔNG TẠI TRẠI GIAM THANH XUÂN(2024-12-31 20:27:40)
- VNAS TỔ CHỨC HƯỚNG NGHIỆP CHO HẠ SĨ QUAN, CHIẾN SĨ TRẠI GIAM T16(2024-12-30 19:38:57)
- HƯỚNG NGHIỆP: CƠ HỘI HỌC TẬP VÀ VIỆC LÀM TRONG NGÀNH HÀNG KHÔNG(2024-12-30 11:02:49)
Copyright © 2020 CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM