• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Suất ăn trên không tìm lối ra trên bộ

  • 2021-07-01 08:52:59
  • Khi hàng không vẫn đang gồng mình để vượt qua giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử dịch bệnh, một số doanh nghiệp cung cấp suất ăn hàng không đã. tìm được những con đường mới nhiều hứa hẹn.

     

    Là một tín đồ trà sữa, Quỳnh Trang (27 tuổi), không khỏi tò mò khi được một người bạn giới thiệu về loại đồ uống với cái tên đặc biệt “Trà sữa trên mây” mới xuất hiện tại Hà Nội. Ghé vào một cửa hàng cửa hàng tiện lợi ở quận Hoàn Kiếm, Trang mới biết đây là trà sữa do Công ty Cổ phần Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS) sản xuất. Công ty này trước đây chỉ được biết đến với những suất ăn trên các chuyến bay.

    Hơn một năm chống chọi với dịch Covid-19, khi hàng không là lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, những công ty cung ứng suất ăn như NCS gặp vô vàn khó khăn, sụt giảm mạnh về sản lượng, doanh thu lẫn lợi nhuận.

    Việc ra mắt các sản phẩm mới như trà sữa, hướng tới một thị trường khác hẳn thị trường truyền thống là một trong những con đường giúp công ty có thể duy trì bộ máy vận hành, sản xuất trong cuộc chiến “sinh tử” để tồn tại và phát triển hậu Covid-19, như lời của bà Nguyễn Thị Quỳnh Hoa, Phó phòng Kế hoạch Thị trường, Công ty CP Suất ăn Hàng không Nội Bài (NCS).

    alt text

    Sản phẩm mới của NSC được “phản hồi tích cực” (Ảnh: VNA).

     

    Khách hàng không còn chỉ ở trên không

    Ngay từ đầu năm 2021, NCS đã dự đoán đây vẫn là một năm đầy khó khăn với ngành hàng không vì tình hình dịch còn phức tạp. Thị trường nội địa chỉ mới bắt đầu hồi phục, còn các đường bay quốc tế sẽ mất rất nhiều thời gian để có thể khai thác trở lại. Thị trường thu hẹp khiến cạnh tranh trong lĩnh vực cung cấp suất ăn càng gay gắt hơn.

    Ngoài việc điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với lịch bay của các hãng hàng không trong mùa dịch, NCS đã lên kế hoạch tiếp cận với các nhóm khách hàng mới, ví dụ như dự án cung cấp bữa ăn nhẹ đạt chuẩn suất ăn hàng không quốc tế cho học sinh của hệ thống các trường Vinschool ở Hà Nội và Hải Phòng. Đặc biệt, NCS tập trung nghiên cứu và phát triển thêm các dòng sản phẩm mới như trà sữa, giò xào, bánh trung thu mang thương hiệu “Lotus Sky” để phục vụ các “khách hàng mặt đất”.

    “Sự đổi mới này đã nhận được những phản hồi tích cực từ phía khách hàng. Đặc biệt, trà sữa Lotus Sky Tea vừa ra mắt vào cuối tháng 3 vừa qua đã được nhiều khách hàng ủng hộ,” bà Hoa (NCS) cho hay. Tại thị trường phía Nam, Xí nghiệp Suất ăn Hàng không Tân Sơn Nhất (VACS) cũng mở ra hướng đi tương tự là phát triển sản phẩm mới cho thị trường trong nước với slogan “Both Cloud and Ground” - phục vụ đồ ăn trên không cho khách hàng dưới mặt đất.

    alt text

    Dù đã được bán đại trà, xây dựng kênh phân phối không phải là câu chuyên “thành công qua đêm” (Ảnh: VNA).

     

    “Xuất phát từ nhu cầu an toàn vệ sinh thực phẩm khắt khe của các đối tác là các trường học, bệnh viện, khách sạn được sử dụng làm cơ sở cách ly, nhà máy, khách hàng nhân viên văn phòng, và sự tự tin có thể cung cấp các suất ăn đáp ứng tiêu chuẩn thế giới với mức giá Việt, ý tưởng về những sản phẩm mới đã ra đời. Đó là những sản phẩm thế mạnh như bánh ngọt, đồ ăn trên không và cả đồ ăn sơ chế dành cho những bà nội trợ bận rộn”, bà Phạm Nguyễn Việt Thi, phòng Marketing, VACS chia sẻ.

    Theo đại diện NCS và VACS, hướng đi mới đã giúp những công ty này “tồn tại được trong giai đoạn đầy biến động và mở ra cơ hội khai thác thị trường khách hàng mặt đất rộng lớn và đầy tiềm năng”, khi cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm thê thảm. Dù con số chưa phải lớn, nhưng doanh thu từ thị trường mặt đất đang dần tăng tỷ trọng trong tổng doanh thu của NCS. Xuất phát từ 1% năm 2019, lên 5% năm 2020, công ty đặt mục tiêu đạt xấp xỉ 20% năm 2021.

    Hướng đi lâu dài

    Dù việc phát triển sản phẩm cho thị trường mặt đất ban đầu là biện pháp đối phó với giai đoạn dịch bệnh đầy khó khăn, nhưng sau một thời gian triển khai, đại diện hai công ty NCS và VACS đều khẳng định đây “không chỉ là cuộc dạo chơi mà sẽ là định hướng lâu dài”.

    “Xâm nhập và cạnh tranh tại thị trường nội địa chưa bao giờ dễ dàng, nhưng một khi khách hàng, kênh phân phối đã hình thành, tiếp tục phát triển. Đây sẽ là một nhiệm vụ song song với mảng chính là cung cấp suất ăn cho các hãng hàng không trong và ngoài nước”, bà Việt Thi (VACS) chia sẻ.

    Đại diện NCS cũng nhấn mạnh rằng phát triển các sản phẩm mới, triển khai kênh bán lẻ hiện đại là “một trong những hướng đi dài hạn” được công ty nghiên cứu và đầu tư nghiêm túc vì thị trường mặt đất rất tiềm năng.

    “Chúng tôi đang tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước có kinh nghiệm, công nghệ sản xuất thực phẩm và phân phối để cùng mang đến những sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng tại Việt Nam và trên thế giới”, bà Hoa (NCS) cho biết.

    alt text

    Xây dựng thực đơn đủ dinh dưỡng, khoa học là thế mạnh của các công ty suất ăn hàng không (Ảnh: VNA).

     

    Thực tế, những doanh nghiệp sản xuất suất ăn hàng không như NCS hay VACS có nhiều lợi thế để tự tin trong cuộc chơi mới này.

    Họ đều có kinh nghiệm, quy trình sản xuất lâu năm; các kênh cung ứng nguyên liệu thực phẩm sạch, an toàn, có nguồn gốc rõ ràng; hệ thống nhà xưởng và thiết bị hiện đại, đủ khả năng phục vụ khách hàng một cách ổn định ở quy mô lớn. Vốn phục vụ suất ăn cho các hãng hàng không trong nước và quốc tế, NCS và VACS luôn phải đảm bảo đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm soát tiêu chuẩn này chặt chẽ. Đây là một thế mạnh lớn trong bối cảnh các trường gia tăng học bán trú và nhiều trường hợp mất an toàn thực phẩm xảy ra ngay cả trong những trường mang danh “quốc tế”.

    Ngoài ra, các công ty suất ăn hàng không còn có hai thế mạnh đặc biệt là nghiên cứu khoa học và thương hiệu. Từng suất ăn luôn được nghiên cứu, xây dựng theo quy chuẩn với hàm lượng dinh dưỡng phù hợp, tốt cho sức khỏe cho người dùng. Thương hiệu “hàng không” từ lâu được định vị là “hàng chuẩn, chất lượng dinh dưỡng cao, nguồn gốc sạch và rõ ràng”, tạo ra lợi thế nhất định trong cuộc chiến thâm nhập thị trường.

    Nỗ lực giải những bài toán khó

    Hướng đi mới cũng có nhiều thách thức, nhất là với một thị trường đa dạng và cạnh tranh khốc liệt như ẩm thực. Xâm nhập vào thị trường mặt đất, các công ty đang áp dụng thêm mô hình B2C (Business to Customer) bên cạnh mô hình B2B (Business to Business) truyền thống. Đại diện NCS thừa nhận, nhóm khách hàng mới hoàn toàn khác biệt về nhu cầu cũng như hành vi so với khách hàng truyền thống là các hãng hàng không. Điều này đòi hỏi cách tiếp cận mới, hoàn toàn khác biệt.

    alt text

    Hiện sản phẩm của NCS đã có mặt tại hệ thống cửa hàng tiện lợi PostMart và nhiều điểm bán của các cá nhân, hộ gia đình (Ảnh: VNA).

     

    NCS cũng chưa có nhiều kinh nghiệm phát triển hệ thống phân phối. Công ty nằm ở ngoại thành Hà Nội, có hệ thống xe chuyên dụng nhưng chỉ được sử dụng cho việc cung ứng suất ăn lên máy bay.

    Việc xây dựng chuỗi phân phối liên tục, quy trình bảo quản nghiêm ngặt để đảm bảo chất lượng sản phẩm khi đến tay người tiêu dùng cũng là một bài toán cần giải quyết. Vì vậy, việc lựa chọn và quản lý các kênh phân phối luôn được hai công ty xem xét kỹ lưỡng.

    Đại diện VACS cho rằng khó khăn lớn nhất với công ty là tìm kiếm nguồn khách hàng mới tại thị trường nội địa. Dù có thương hiệu lâu năm trong cung cấp suất ăn hàng không nhưng VACS lại là “tân binh” ở thị trường trong nước. Nhận diện thương hiệu của công ty chưa quá tốt và phải cạnh tranh với những doanh nghiệp lâu đời hơn trong lĩnh vực này. Ngoài ra, kênh phân phối vẫn còn khiêm tốn và cần thời gian phát triển.

    Hiện sản phẩm của NCS đã có mặt tại hệ thống cửa hàng tiện lợi PostMart và nhiều điểm bán của các cá nhân, hộ gia đình. Điều này phần nào giải quyết được một phần khó khăn về kênh phân phối tới người tiêu dùng. VACS cũng đang tăng cường kết nối với các doanh nghiệp trong, ngoài ngành nhằm gia tăng tệp khách hàng cũng như tận dụng kênh phân phối của nhau.

    Theo VNA Spirit

    Điểm tin Hàng không

    Video clip

    • facebook