• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Thị trường hàng không Việt Nam liệu có "lạc quan" hồi phục trong năm 2022?

  • 2022-01-11 09:57:22
  • Nếu tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa phát triển kinh tế, ngành hàng không Việt Nam sẽ từng bước hồi phục trong năm 2022.

    Những thách thức mới từ đại dịch COVID-19

    Dự báo sự phục hồi của ngành hàng không năm 2022

    Dự báo sự phục hồi của ngành hàng không năm 2022

    Diễn biến của đại dịch COVID-19 là một câu hỏi lớn đối với toàn bộ nền kinh tế - xã hội và ngành hàng không cũng không ngoại lệ. Hiện nay, biến thể Omicron đang là vấn đề được quan tâm nhất do sự lây lan nhanh chóng của nó tại nhiều nước trên thế giới. Các nhà khoa học vẫn đang trong quá trình nghiên cứu biến thể Omicron so với các biến thể trước đó như Delta và Alpha.

    Sự lan rộng của đại dịch cùng sự xuất hiện của biến thể mới đã có tác động rất lớn đến ngành du lịch với các lệnh cấm bay được áp dụng. Chưa kể đến các tác động khác như: số lượng du khách có kết quả dương tính tăng cao, hành khách trốn tránh kiểm dịch hay việc hủy chuyến bay do thiếu phi công cũng là một vấn đề lớn trong kỳ nghỉ lễ bận rộn.

    Một trong những thách thức chính mà cả hãng hàng không và hành khách sẽ phải đối mặt vào năm 2022 là quản lý chứng nhận tiêm chủng.

    Điều này đặc biệt đúng khi xác định "tiêm chủng" là gì, đặc biệt là về liều nhắc lại hoặc liều thứ ba.

    Ví dụ, những khách du lịch đã tiêm vaccine hai liềunhưng chưa được tiêm mũi tiêm nhắc lại có tiếp tục được tính là đã tiêm đầy đủ trong những tháng tới không? Liệu có sự khác biệt với việc chứng nhận tiêm chủng đối với những khách du lịch mới chỉ được tiêm một mũi vaccine tiêu chuẩn như thông lệ ở các quốc gia như Đức hay không? Các quy tắc sẽ được áp dụng ra sao đối với trẻ em từ các quốc gia nơi một số trẻ chỉ được tiêm một liều vaccine mRNA? Đặc biệt, biến thể Omicron sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình trạng tiêm chủng?

    TS Bùi Doãn Nề - Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VABA đưa ra nhận định: Công tác tiêm chủng vaccineđang được đẩy nhanh nhờ sự thống nhất cao giữa các ngành và địa phương. Mức độ kiểm soát dịch bệnh tốt, cùng các giải pháp hỗ trợ phát triển kinh tế là những yếu tố giúp ngành hàng không Việt Nam sớm trở lại mức tăng trưởng như trước dịch.

    "Dự báo, mức tăng trưởng kinh tế năm 2022 của Việt Nam từ 6 - 6,5%. Đây là cơ sở giúp mức tăng trưởng của ngành hàng không đạt 15 - 20% so với năm 2021. Nếu tiếp tục kiểm soát được dịch bệnh, mở cửa phát triển kinh tế, ngành hàng không Việt Nam sẽ từng bước hồi phục trong năm 2022" – TS Bùi Doãn Nề kỳ vọng.

    Ngành hàng không sẽ có giai đoạn phục hồi bền vững lâu dài

    Tại hội nghị thường niên ở Boston (Mỹ), Hiệp hội Vận tải hàng không quốc tế (IATA) nhận định ngành Vận tải hàng không sẽ từng bước phục hồi sau đại dịch và mức thua lỗ năm 2022 được dự báo là sẽ giảm đáng kể.

    Theo IATA, trong năm tới, các hãng hàng không tại tất cả các khu vực của thế giới đều sẽ ghi nhận sự phục hồi. Tuy nhiên, tổ chức cũng hối thúc chính phủ các nước duy trì các biện pháp hỗ trợ các hãng hàng không cho tới khi tất cả các đường bay quốc tế mở trở lại.

    IATA dự báo nhu cầu đi lại quốc tế sẽ tăng gấp đôi trong năm 2022 và đạt 44% mức của năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

    Tổ chức này nhấn mạnh tỷ lệ người dân tiêm vaccine phòng bệnh và việc nhiều nước dỡ bỏ các biện pháp hạn chế sẽ là hai yếu tố chính tác động tích cực đến đà phục hồi của ngành hàng không thế giới.

    Những tín hiệu tích cực của ngành hàng không Việt Nam trong năm mới 2022

    Theo kế hoạch đã được Chính phủ chấp thuận thí điểm bắt đầu từ ngày 1/1/2022, thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với các địa bàn có hệ số an toàn cao, trước mắt là Bắc Kinh/Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ).

    Những hành khách từ Phnom Penh (Campuchia) đến TP Hồ Chí Minh trên chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19. (Ảnh: VNA)

    Những hành khách từ Phnom Penh (Campuchia) đến TP Hồ Chí Minh (Ảnh: VNA)

    Tối ngày 1/1, chuyến bay mang số hiệu VN852 vận chuyển 121 hành khách hành trình từ Phnom Penh (Campuchia) đến TP Hồ Chí Minh là chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên chính thức đến Việt Nam kể từ khi xảy ra đại dịch COVID-19; đánh dấu giai đoạn mở cửa hàng không quốc tế thường lệ, khôi phục cầu nối hàng không Việt Nam với thế giới và mở ra triển vọng phục hồi mạnh mẽ hàng không, du lịch sau đại dịch.

    Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam tin rằng sự phục hồi dần của thị trường, đặc biệt trong bối cảnh dịch COVID-19 đang dần được kiểm soát tốt tại Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới.

    Chiến lược ứng phó với COVID-19 đang được điều chỉnh linh hoạt từ "Zero COVID" sang “sống chung với COVID”, tỷ lệ tiêm phủ vaccine cho người dân đạt mức cao… Đây là cơ sở để các hãng hàng không tin tưởng và kỳ vọng vào một năm sáng sủa hơn đang chờ đợi phía trước.

    Hà My
    • facebook