• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Triển vọng ngành hàng không: 'Trong nguy có cơ'

  • 2021-03-15 09:01:39
  • Hàng không là ngành chịu tác động nặng nề từ Covid-19. Khó khăn, thậm chí là “tính sống còn” vẫn chưa chấm dứt, tuy nhiên, theo các chuyên gia, với ngành này “trong nguy có cơ”. Hàng không Việt đang có lợi thế trong cạnh tranh toàn cầu, nên rất cần một chiến lược chung để phát triển.

    Cơ hội lớn, nhưng khó khăn còn nhiều

    Báo cáo Triển vọng ngành hàng không năm 2021 của SSI Research cho thấy, ngành hàng không bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi Covid-19, với tổng số chuyến bay do 3 hãng hàng không trong nước khai thác (Vietnam Airlines, VietJet và Bamboo) giảm -33,7% so với cùng kỳ trong năm 2020, đạt 216 nghìn chuyến bay trong năm 2020. Các chuyên gia SSI Research nhận thấy áp lực rất lớn đối với các hãng hàng không trên tất cả các mặt: giá cả, lợi nhuận, dòng tiền, …

    Cũng theo các chuyên gia SSI Research, các hạn chế về biên giới khiến hầu như không có các chuyến bay quốc tế thường xuyên trong năm 2020; trong khi đó thị trường trong nước đang dư cung. Từ tháng 3/2020, Việt Nam áp dụng chính sách hạn chế nhập cảnh rất nghiêm ngặt, chỉ cho phép các chuyến bay cứu hộ quốc tế hoạt động với quy mô rất hạn chế (một vài chuyến/tháng). Thông thường, doanh thu khách quốc tế chiếm từ 50% - 60% doanh thu của các hãng hàng không. Chi phí đỗ máy bay cũng là khá lớn. Để đối phó với tình hình khó khăn này, các hãng hàng không đã khai thác một số máy bay quốc tế của họ tại thị trường nội địa, tăng ASK nội địa (chỗ ngồi khả dụng/km - thước đo công suất của các hãng hàng không) và gây ra áp lực lên tỷ suất nội địa và RPK (doanh thu/hành khách/km - thước đo giá bán bình quân cho các hãng hàng không).

     

     hàng không việt nam

     Ngành hàng không sẽ còn chịu nhiều khó khăn do tác động từ dịch bệnh Covid-19. Ảnh: TL.

    Tuy nhiên, chuyên gia của SSI Research tin rằng, ngành hàng không khó có thể phục hồi vào nửa cuối năm 2021 khi các vắc xin được phê duyệt. Song về mặt triển vọng, ngành này sẽ được cải thiện khi vắc xin được sử dụng trên quy mô lớn. Thị trường nội địa nhiều khả năng sẽ vẫn là thị trường trọng tâm của các hãng hàng không trong năm 2021, do các chuyến bay quốc tế chỉ có thể được hoạt động từ nửa cuối năm 2021.

    Nhiều chuyên gia cho rằng, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 và hậu quả của dịch bệnh đến nền kinh tế, ngành hàng không sẽ vẫn gặp nhiều khó khăn, song đây cũng là cơ hội nếu được quan tâm và đầu tư xứng tầm.

    Trao đổi với báo giới về vấn đề này PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng cho rằng: “Ngành hàng không dù ở tình thế rất nguy, nhưng tôi vẫn thấy có cơ. Vì hàng không Việt Nam khác so với những ngành khác”.

    PGS.TS Trần Đình Thiên phân tích, hàng không là cuộc chơi toàn cầu, cuộc chơi kết nối với quốc tế, cuộc chơi liên kết trên thị trường hàng không thế giới chứ không phải riêng của Việt Nam. Nên khi đặt vấn đề nhìn thấy cơ hay nguy thì phải nhìn trong toàn bộ cục diện của ngành hàng không thế giới. Hàng không Việt Nam có khả năng phục hồi trước, có điều kiện vươn dậy so với nhiều hãng hàng không thế giới khi mà cấu trúc thị trường hàng không thay đổi vì đại dịch Covid-19 thì hoàn toàn có thể nhận diện lại cơ hội hay thách thức đặt ra với hàng không Việt Nam.

    Thực tế thế giới hiện nay cho thấy, những hãng hàng không càng lớn, càng có đẳng cấp cao thì trong đại dịch Covid-19 càng nhiều khó khăn, khả năng sụp đổ cao hơn của Việt Nam rất nhiều bởi vì gánh nặng của các hãng hàng không bề thế rất lớn.

    Mặc dù hãng hàng không Việt Nam vẫn còn khá non trẻ, nhưng tương quan sức mạnh sau đại dịch Covid -19 có thể có những lợi thế. Ví như thị trường nội địa hàng không khá ổn và sẽ tiếp tục ổn nếu như có các giải pháp tích cực hơn cho các hàng không Việt Nam. Hỗ trợ để hàng không nội địa tốt lên, thúc đẩy, tạo điều kiện, khuyến khích khách hàng bay thì sẽ bảo đảm cho hàng không Việt Nam trỗi dậy được.

    “Đây chính là lợi thế của các hãng hàng không Việt Nam. Bài toán nhìn thấy và nắm bắt cơ trong nguy như của một thế lực quốc gia, một sức mạnh dân tộc trong cạnh tranh toàn cầu của hàng không Việt Nam là khá rõ. Hàng không Việt Nam có cơ hội rất lớn ở cuộc chơi cạnh tranh hàng không toàn cầu” – PGS. TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh.

    Cần một chiến lược phát triển chung

    Theo ông Trần Đình Thiên, tới thời điểm này, các hãng hàng không vẫn đang vật lộn chứ không hãng nào bó tay chịu chết, sự quyết tâm sống còn của các hãng hàng không không bị suy giảm. Họ sẵn sàng dốc những nguồn lực của mình để giữ cho được các chuyến bay.

    Tuy nhiên, ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 thời gian qua chắc chắn đã làm cho các hãng hàng không khó mà đứng dậy nhanh, đứng dậy vững, thậm chí vẫn có nguy cơ sụp đổ nếu dịch Covid -19 tiếp tục kéo dài hoặc những giải pháp hỗ trợ ở tầm quốc gia không tích cực.

     "Muốn có thái độ đúng mực với ngành hàng không thì phải có tầm nhìn với ngành hàng không. Không thể đặt ngành hàng không như những ngành khác là phải chia đều cho mỗi ông một tí để ốm đói với nhau, cùng thoi thóp. Đó không phải là yêu nước, mà là nhân đạo mang tính thuần túy. Lúc này, quan trọng là phải lựa chọn ưu tiên cho những yếu tố giúp cho đất nước đứng dậy được, khẳng định vị thế sau dịch" - PGS.TS Trần Đình Thiên. 

    Trước tình hình ấy, PGS. TS Trần Đình Thiên cho rằng: “Chính phủ cần có chiến lược làm sao cứu được các hãng hàng không theo tầm nhìn quốc gia chứ không phải để họ cố gắng qua ngày đoạn tháng, thêm được ngày nào hay ngày đấy mà phải hướng tới tương lai rõ ràng hơn”.

    Chuyên gia này phân tích thêm, Chính phủ phải có chiến lược cho hàng không Việt Nam với tư cách là tổng thể sức mạnh gồm các hãng hàng không đang bay hiện nay, có chiến lược chung và cùng với các hãng thiết kế ra một chiến lược sống còn và trỗi dậy sau đại dịch Covid-19. Nếu làm được như vậy thì mới thật sự hiệu quả, mới thật sự vượt qua được thách thức hiện nay.

    “Tôi cho rằng lúc này, các ý kiến kể cả vì đại cục, vì đất nước hay vì lợi ích cục bộ thì nên có chung một cách nhìn trên tinh thần ủng hộ, mang tính xây dựng để giúp hàng không thành một thế lực của Việt Nam trong tương lai” – ông Thiên nói.

    Thời báo Tài chính

    • facebook