• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Vì sao quy hoạch cảng hàng không “vắng” sân bay chuyên dùng?

  • 2021-12-03 10:01:31
  • Bộ GTVT vừa trình Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống CHK, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn 2050.

     

    Tuy nhiên theo các chuyên gia, nội dung quy hoạch mới chủ yếu tập trung cho hệ thống cảng hàng không (CHK) dân dụng phục vụ loại hình hoạt động bay thương mại.

    Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng

    Tờ trình do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Anh Tuấn ký nêu rõ giai đoạn 2021 - 2030, hình thành 28 cảng hàng không (CHK) bao gồm 14 CHK quốc tế và 14 CHK quốc nội.

    vì sao quy hoạch cảng hàng không “vắng” sân bay chuyên dùng?

    Sân bay chuyên dùng là khu vực sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung

    Cùng đó, vẫn duy trì vị trí quy hoạch CHK quốc tế Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/2011 để thay thế cho CHK quốc tế Cát Bi giai đoạn sau năm 2030.

    Nghiên cứu quy hoạch giao thông kết nối tới CHK quốc tế Hải Phòng đồng thời nghiên cứu, khảo sát và báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc bổ sung quy hoạch, xây dựng CHK, sân bay tại các đảo (như Lý Sơn, Phú Quý...), quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

    Tầm nhìn đến năm 2050, ngoài việc quy hoạch thêm sân bay Cao Bằng, cũng sẽ hình thành CHK thứ 2 hỗ trợ cho CHK quốc tế Nội Bài về phía Đông Nam Thủ đô Hà Nội và một số CHK, sân bay tại các đảo, quần đảo có nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội...

    Theo nhiều chuyên gia, nội dung quy hoạch chủ yếu tập trung cho hệ thống CHK dân dụng phục vụ loại hình hoạt động bay thương mại, chưa bao quát tổng thể đến các loại hình khai thác của hàng không như hàng không chung, hàng không chuyên dùng.

    Đề nghị quy hoạch cần bổ sung hệ thống sân bay chuyên dùng, TS. Bùi Văn Võ, Hội Khoa học và Công nghệ Hàng không VN nêu quan điểm, sân bay chuyên dùng là khu vực được xác định trên mặt đất, dải mặt nước, công trình nhân tạo sử dụng cho máy bay, thủy phi cơ, trực thăng hoạt động để phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu gửi mà không phải vận chuyển công cộng.

    Đây cũng là đề xuất của Ths. Trần Tuấn Linh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển, Viện Khoa học hàng không. Theo ông Linh, trong tương lai các sân bay chuyên dùng phục vụ cho máy bay cất, hạ cánh thẳng đứng bằng động cơ điện hoặc đường băng ngắn sẽ trở nên cấp thiết ở châu Á và Việt Nam.

    Về vấn đề này, lãnh đạo Cục Hàng không VN cho hay: Theo Luật Hàng không dân dụng, sân bay chuyên dùng được định nghĩa là khu vực xác định được xây dựng để bảo đảm cho tàu bay cất cánh, hạ cánh và di chuyển, chỉ phục vụ mục đích khai thác hàng không chung hoặc mục đích vận chuyển hành khách, hành lý, hàng hóa, bưu phẩm, bưu kiện, thư mà không phải vận chuyển công cộng.

    Cũng theo quy định tại Luật này, Bộ Quốc phòng quyết định mở, đóng sân bay chuyên dùng sau khi thống nhất với Bộ GTVT. Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với cơ quan liên quan lập quy hoạch tổng thế phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trừ sân bay chuyên dùng.

    Như vậy, sân bay chuyên dùng không thuộc đối tượng quy hoạch.

    Địa phương chủ động đề xuất

    Theo Cục Hàng không VN, các địa phương hoàn toàn có thể chủ động nghiên cứu đề xuất các sân bay chuyên dùng theo quy định (Nghị định 42/2016/NĐ-CP).

    Trong quá trình phát triển lâu dài, tùy theo sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương mà sân bay chuyên dùng có thể có sự phát triển vượt bậc về vận tải hành khách, có nhu cầu hình thành các chuyến bay thương mại thường lệ.

    Trong những trường hợp như vậy có thể xem xét việc chuyển đổi sân bay chuyên dùng thành CHK để quản lý theo quy chế của luật hàng không dân dụng.

    “Việc chuyển đổi này cho phép xử lý linh hoạt đối với những vấn đề trong quy hoạch chưa lường hết được và quy hoạch này đã có điều khoản quy định cách thức xử lý để có thể thực hiện mà không cần phải duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể mạng CHK. Sân bay chuyển đổi sẽ được cập nhật trong Quy hoạch mạng CHK toàn quốc trong lần điều chỉnh cập nhật gần nhất”, lãnh đạo Cục Hàng không khẳng định.

    Cũng theo Cục Hàng không VN, hoạt động hàng không chung tại các CHK dân dụng theo hồ sơ quy hoạch là không bị hạn chế.

    Tuy nhiên, tại các CHK như Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất, khi tần suất khai thác hàng không chung cao sẽ có giải pháp hạn chế để tránh ùn tắc và đảm bảo an toàn trong hoạt động bay.

    “Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm phát triển hàng không chung trên thế giới, hồ sơ quy hoạch đã đề xuất định hướng phát triển hàng không chung tại Việt Nam. Trong phạm vi quy hoạch, trước mắt hàng không chung sẽ được khai thác tại các CHK dân dụng. Trong tương lai khi hàng không chung phát triển cần nghiên cứu xây dựng các sân bay chuyên dùng”, lãnh đạo Cục Hàng không VN nói và cho biết thêm: Thời gian gần đây, quá trình lập điều chỉnh quy hoạch chi tiết các CHK đều đã nghiên cứu bố trí quy hoạch khu vực dành riêng cho hàng không chung (như quy hoạch CHK Đồng Hới, Phan Thiết, Quảng Trị...).

    Trong quá trình triển khai quy hoạch chi tiết của các CHK sẽ tiếp tục bố trí cụ thể khu vực dành riêng cho hàng không chung theo định hướng nghiên cứu tại hồ sơ quy hoạch lần này.

    Vừa qua, Bộ Quốc phòng đã phê duyệt quy hoạch vị trí sân bay chuyên dùng Đất Đỏ, huyện Đất Đỏ (Bà Rịa - Vũng Tàu).

    Như vậy, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phát triển thêm các sân bay chuyên dùng, đáp ứng nhu cầu phát triển của hàng không chung.

    Thanh Bình

    Nguồn: baochinhphu.vn

    Điểm tin Hàng không

    Video clip

    • facebook