• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Vietnam Airlines muốn rót 10 nghìn tỷ vào sân bay Long Thành

  • 2021-02-25 10:07:13
  • Vietnam Airlines đề xuất đầu tư hàng loạt dịch vụ hàng không quan trọng tại Cảng HK quốc tế Long Thành, tổng đầu tư gần 10 nghìn tỷ đồng.

    vietnam airlines muốn rót 10 nghìn tỷ vào sân bay long thành

    Nhiều dịch vụ hàng không mà Vietnam Airlines đang khai thác mang lại lợi nhuận lớn cho DN này

    Đầu tư hàng loạt dịch vụ hàng không

    Trong báo cáo mới nhất gửi Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT và Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Chủ tịch Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa cho biết, trong chiến lược phát triển giai đoạn từ năm 2021 - 2030, Vietnam Airlines (VNA) và các đơn vị thành viên ưu tiên bố trí tối đa nguồn lực để tham gia các dự án đầu tư xâydựng và khai thác các cơ sở hạ tầng tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

     

    Việc này nhằm đảm bảo cung ứng dịch vụ đồng bộ cho hoạt động vận tải hàng không của hãng cũng như các hãng hàng không khác trong khu vực.

    Các dịch vụ được Vietnam Airlines đề cập gồm: Cung ứng nhiên liệu hàng không, phục vụ kỹ thuật mặt đất, cung ứng suất ăn, nhà ga hàng hóa, trung tâm logistics hàng không.

    Cùng đó, Vietnam Airlines cũng tổ chức hoạt động kinh doanh và phục vụ hành khách tại nhà ga như dịch vụ phòng chờ cho hành khách, bán hàng miễn thuế và các dịch vụ hàng không khác.

    Đây là những dịch vụ Vietnam Airlines đã và đang khai thác tại nhiều sân bay lớn hiện nay thông qua các công ty con, công ty liên kết.

    Theo Vietnam Airlines, quy mô hoạt động và lợi nhuận của các doanh nghiệp này đều tăng trưởng mạnh qua các năm, đóng góp quan trọng vào việc nâng cao chất lượng dịch vụ và thu nhập tài chính cho Vietnam Airlines.

    Chỉ riêng giai đoạn 2015 - 2019, tổng số cổ tức/lợi nhuận Vietnam Airlines nhận từ các doanh nghiệp có vốn góp là hơn 5.074 tỷ đồng, đạt tỷ suất lợi nhuận/vốn đầu tư bình quân hàng năm là 16%.

    Ông Đặng Ngọc Hoà cho biết, tổng mức đầu tư các dịch vụ này của Vietnam Airlines tại sân bay Long Thành lên tới hơn 9.900 tỷ đồng, trong đó dự kiến 30% là nguồn vốn chủ sở hữu và 70% còn lại từ vốn vay.

    Vietnam Airlines và các công ty con của doanh nghiệp này sẽ trực tiếp đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng hoặc hợp tác với Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam- ACV để thành lập công ty cổ phần/công ty TNHH…

    Vietnam Airlines cũng đề nghị cơ quan chức năng xem xét, chấp thuận cơ chế, chính sách đặc thù, ưu tiên đối với Vietnam Airlines và các đơn vị trong VNA Group có đủ cơ sở hạ tầng và mặt bằng để khai thác tại nhà ga hành khách, đáp ứng yêu cầu khai thác và nhu cầu phát triển; xem xét bố trí nhà ga/cánh nhà ga riêng cho Vietnam Airlines…

    Trước mắt, Vietnam Airlines xin được bố trí ngay vị trí đất để triển khai đầu tư sớm hạng mục xây dựng hangar bảo dưỡng, sửa chữa máy bay tại Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

    Sau khi được chấp thuận chủ trương, Vietnam Airlines và các đơn vị thành viên sẽ lập các đề án, dự án đầu tư cụ thể trình cấp có thẩm quyền theo quy định.

    Có phải thông qua đấu thầu?

    Liên quan vấn đề này, đại diện Vụ KH-ĐT, Bộ GTVT cho biết, theo Nghị định 05 thay thế Nghị định 102 về Quản lý, khai thác cảng hàng không sân bay, có hiệu lực từ ngày 10/3 tới, cũng như Quyết định phê duyệt dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành của Thủ tướng, sẽ tổ chức đấu thầu tất cả dịch vụ hàng không, phi hàng không. Điều này để đảm bảo công bằng với mọi đối tượng xã hội, không ngăn cản gia nhập thị trường.

    “Hiện Bộ GTVT đã giao Cục Hàng không VN xây dựng Thông tư về đấu thầu, nhượng quyền cung cấp dịch vụ tại cảng hàng không”, vị này thông tin.

    Cục trưởng Cục Hàng không VN Đinh Việt Thắng cũng cho biết, việc Vietnam Airlines đề xuất đầu tư các dịch vụ này là hợp lý, vì đó là dịch vụ đồng bộ với dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, Vietnam Airlines sẽ phải tham gia đấu thầu.

    “Chúng tôi đang hoàn thiện dự thảo Thông tư hướng dẫn, sớm trình Bộ GTVT”, ông Thắng nói và cho biết, dịch vụ hàng không chắc chắn sẽ phải qua đấu thầu. Nghị định 05 của Chính phủ chỉ ưu tiên nhà khai thác cảng có quyền và trách nhiệm đầu tư đồng bộ hạ tầng sân bay.

    Trao đổi với Báo Giao thông, Chủ tịch ACV Lại Xuân Thanh cho biết, doanh nghiệp chưa có ý định đầu tư vào các dịch vụ này. “Trước hết, chúng tôi sẽ chỉ tập trung toàn bộ nguồn lực vào dự án thành phần 3 - Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1 vừa được khởi công”, ông Thanh khẳng định.

    Báo Giao Thông

    • facebook