• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Những lầm tưởng về yêu cầu sức khỏe Phi công dân dụng

  • 2020-03-19 22:55:10
  • 'Nếu bị cận, có hình xăm thì không thể thi tuyển phi công?’ hay 'Phi công không phải nghề dành cho nữ giới'… là những quan điểm thường gặp của nhiều người khi nghĩ về nghề phi công.

    Bác sĩ Bạch Đăng Đồng, Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế Hàng không với hơn 20 năm kinh nghiệm làm công tác khám tuyển phi công, sẽ giải đáp một số thắc mắc liên quan đến yêu cầu sức khỏe của các ứng viên muốn theo đuổi nghề bay.

     

    Phi công cần có dáng ngồi thẳng, không có khuyết tật có thể nhìn thấy bằng mắt thường.

    Phi công phải cao trên 1m7

     

    Để trở thành phi công, ứng viên phải trải qua quá trình khám sức khỏe kỹ lưỡng. Yêu cầu đầu tiên cần đáp ứng là ngoại hình đạt chuẩn. Theo bác sĩ Bạch Đăng Đồng, phi công cần đạt yếu tố chiều cao, cân nặng (nam cao trên 165cm, nặng trên 52kg, nữ cao trên 158cm, nặng trên 50kg). Ứng viên cũng không được có dị tật có thể nhìn thấy bằng mặt thường như: chột mắt, mất ngón tay, mất ngón chân...

     

    Bên cạnh đó, phi công cần có dáng ngồi tiêu chuẩn để quan sát, điều khiển tàu bay nên những người cong vẹo cột sống, gù lưng, so vai... cũng không đáp ứng yêu cầu sức khỏe để trở thành học viên phi công.

     

    Người bị mù màu không thể trở thành phi công.

    Bị cận thì không thể học Phi công

     

    Nếu bị mù màu, ứng viên sẽ không thể trở thành phi công. Nghề điều khiển tàu bay đòi hỏi ứng viên phải phải tiếp xúc với hệ thống máy móc phức tạp trong khoang lái hay việc phải quan sát mọi vật xung quanh một cách linh hoạt nên phi công phải có khả năng quan sát nhạy bén và thị lực tốt. Khi giám tuyển sức khỏe, các ứng viên được đo thị lực nhìn xa, kiểm tra mù màu.

     

    Tuy nhiên, với ứng viên bị tật khúc xạ nhẹ như cận thị, viễn thị và không có bệnh lý kèm theo sẽ được xem xét dựa trên kết quả kiểm tra sức khỏe tổng thể. Bác sĩ Bạch Đăng Đồng chia sẻ: "Có nhiều trường hợp ứng viên được xem xét vì thực chất bệnh của con người rất nhiều, một vài cuốn sách không liệt kê hết được. Tình trạng bệnh có thực sự nghiêm trọng không phải đánh giá trên tổng thể một con người, cân nhắc kỹ lưỡng để tránh lãng phí nhân sự chất lượng". Người bị mù màu không thể trở thành phi công.

     

    Phải kiểm tra tiền đình trong "lồng xoay"

     

    Tiền đình và tâm lý thần kinh là hai phần kiểm tra quan trọng nhất để quyết định ứng viên có thể theo học phi công hay không. Nhiều người vẫn nghĩ rằng ứng viên sẽ phải vào trong một chiếc "lồng xoay" để kiểm tra tiền đình; thực ra, có thể mọi người đang liên tưởng đến bài tập rèn luyện thể lực trong "vòng quay ly tâm" của khóa huấn luyện quân sự dành cho học viên phi công.

     

    Buổi luyện tập trong "vòng quay ly tâm" của khóa huấn luyện quân sự dành cho Học viên Phi công.

    Trên thực tế, khi khám tiền đình, ứng viên sẽ ngồi lên chiếc ghế được gắn với trục quay và bảng điều khiển có dây bảo hiểm quấn quanh người. Bác sĩ phụ trách kiểm tra sẽ đứng ở bảng điều khiển chỉnh tốc độ vòng quay.

     

    Phần thi này cũng khiến nhiều ứng viên lo lắng vì Khi vòng quay chuyển động với gia tốc mạnh, người ngồi trên ghế sẽ có cảm giác chóng mặt nhức đầu, buồn nôn... Nhiều người không chịu nổi đòi xuống và bị đánh trượt. Nên nếu bị bệnh tiền đình và tâm lý không vững vàng, bạn không thể qua được vòng khám sức khỏe", bác sĩ cho biết.

     

    Ứng viên có hình xăm đều bị loại

     

    Nhiều ứng viên băn khoăn về việc có hình xăm sẽ không được chứng nhận sức khỏe thi tuyển phi công, đây là quan niệm sai lầm. Bác sĩ sẽ không đánh giá hình xăm nếu ứng viên không bị nhiễm trùng hoặc bệnh da liễu do xăm mình gây nên. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyên Giám đốc Trung tâm Y tế Hàng không cho rằng, nhiều hãng bay không khuyến khích tuyển dụng phi công có hình xăm quá lớn, hình phản cảm ở những vùng da dễ nhận thấy.

     

    Nữ và nam khi thi tuyển phi công đều trải qua vòng khám sức khỏe như nhau. Ngoài ra, nữ phi công có thêm hạng mục khám sản phụ khoa.

    Phi công không phải nghề dành cho nữ giới

     

    Theo thông tư liên tịch số 18/2012 về quy định tiêu chuẩn sức khỏe của nhân viên hàng không và điều kiện đối với cơ sở y tế thực hiện việc khám sức khỏe cho nhân viên hàng không, yêu cầu sức khỏe của nữ phi công không khác gì nam phi công.

     

    Để trở thành phi công, ứng viên nữ cũng phải đáp ứng các yêu cầu về ngoại hình, hệ thần kinh, tim mạch, tiêu hóa, các bệnh lý không cho phép... Ngoài ra, thông tư 18 có phần riêng về khám sản phụ khoa cho nữ phi công.

     

    Các hãng bay cũng có chính sách ưu tiên cho nữ phi công những ngày trong chu kỳ kinh nguyệt, khi đang có thai hoặc sau sinh sẽ được tạm dừng bay chứ không cắt bay. Khi sức khỏe thể chất và tinh thần đạt tiêu chuẩn, nữ phi công làm việc bình đẳng so với nam phi công.

     

    Khám tuyển phi công dân sự cũng khó như phi công quân sự

     

    Theo bác sĩ Bạch Đăng Đồng, yêu cầu sức khỏe với phi công dân dụng đơn giản hơn phi công quân sự vì "cùng làm việc trên không nhưng nhiệm vụ của phi công quân sự là chiến đấu, phi công dân dụng là chuyên chở, vận chuyển. Phi công quân sự phải thực hiện động tác liên tục, đòi hỏi kỹ thuật rất cao. Có khi đưa máy bay lên cao tới 90km rồi đột ngột xuống thấp, bắn đạn... Trong khi đó, phi công dân dụng chủ yếu đòi hỏi quan sát thiết bị, liên lạc không đối không, không đối đất".

     

    Mặc dù không yêu cầu gắt gao như phi công quân sự nhưng việc theo dõi sức khỏe đối với phi công dân sự vẫn được thực hiện định kỳ nhằm đảm bảo an toàn bay. Cụ thể, dưới 40 tuổi, phi công sẽ kiểm tra sức khỏe mỗi năm một lần, trên 40 tuổi, việc kiểm tra diễn ra một năm hai lần.

     

    Nguồn : Phong Lâm.

    • facebook