• CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM

    Lý do máy bay không trang bị dù cho hành khách

  • 2021-11-22 09:12:19
  • Nhiều người cho rằng nhảy dù là cách thoát hiểm khỏi máy bay nhanh nhất, nhưng mọi việc không đơn giản vậy.

    Khi đi máy bay, hành khách đều biết mỗi ghế ngồi trang bị một mặt nạ dưỡng khí cá nhân và một áo phao. Đây là 2 biện pháp thoát hiểm cho mỗi hành khách. Ngoài ra, máy bay cũng có các lối thoát hiểm với cầu phao cứu sinh có đèn dưới sàn để mọi người đi theo trong trường hợp khẩn cấp.

    Theo tưởng tượng của nhiều du khách, dù có thể là cách thoát hiểm nhanh nhất trong các tình huống khẩn cấp. Tuy nhiên, theo các tổ chức quốc tế về an toàn hàng không, dù được coi là một thiết bị thoát hiểm không phù hợp trên các chuyến bay dân dụng.

    Dù là thiết bị thoát hiểm không phù hợp cho hành khách. Ảnh: Unsplash

    Dù là thiết bị thoát hiểm không phù hợp cho hành khách. Ảnh: Unsplash

    Đầu tiên, không thể nhảy dù từ khoang chở khách do máy bay dân dụng thường hoạt động ở độ cao 10 km (máy bay đạt độ cao này hoặc hơn sau khi cất cánh và duy trì trong cả hành trình), vận tốc trung bình 910 km/h. Nếu thực hiện một cú nhảy, cơ thể sẽ vỡ tung hoặc dính chặt vào vỏ máy bay. "Ngay cả khi bạn đã được huấn luyện để nhảy dù thì các điều kiện xung quanh cũng không cho phép", Jim Crouch, Giám đốc An toàn và Đào tạo của Hiệp hội nhảy dù Mỹ, cho biết. Crouch cũng chỉ ra rằng nhiệt độ ở độ cao này thường từ -17 độ C hoặc lạnh hơn. Điều này có thể khiến mắt, miệng, mũi bị đóng băng ngay lập tức. Phổi cũng giãn nở nhanh chóng.

    Chuyên gia người Mỹ này cũng nói thêm, bắt đầu từ độ cao khoảng 4,5 km, hành khách đã cần được cung cấp oxy vì khi mở dù, máy bay sẽ không được điều áp, cơ thể người sẽ bị áp lực lớn. Còn nếu dưới độ cao kể trên, máy bay nếu gặp sự cố sẽ tiếp đất với tốc độ rất nhanh.

    Thêm nữa, kể cả trong trường hợp có thể nhảy từ độ cao như vậy hoặc thấp hơn thì tâm lý cũng là yếu tố quan trọng. Không phải hành khách nào cũng có khả năng nhảy dù độc lập. Việc này đòi hỏi quá trình đào tạo chuyên nghiệp. Khi một người hoảng loạn, hành động của anh/cô ta sẽ trở nên mất kiểm soát. Rất có thể, việc phải nhảy ra khỏi máy bay sẽ gây tình trạng hỗn loạn, tắc ở cửa thoát hiểm máy bay, khiến việc xử lý tình huống khẩn cấp trở nên khó khăn hơn.

    Ngoài ra, trang bị thêm dù cũng tốn thêm chi phí. Dù rất đắt và thêm vào đó, chúng sẽ làm tăng trọng lượng của máy bay, đồng nghĩa với việc sẽ cần nhiều nhiên liệu hơn và các chuyến bay sẽ tốn kém hơn.

    Vấn đề tiếp theo là thời tiết. Tai nạn thường xảy ra khi thời tiết xấu nhưng những trường hợp đó cũng khiến việc sử dụng dù rất nguy hiểm.

    Trung Nghĩa (Theo Rambler, CnTraveler)

    Nguồn: vnexpress.net

    • facebook