ĐÀO TẠO LAO ĐỘNG ĐẶC THÙ - CƠ HỘI LỚN CHO TRƯỜNG NGHỀ
Du lịch và Hàng không là 2 ngành đang thiếu trầm trọng lao động giỏi. Đây là cơ hội để các trường nghề có thể chiếm lĩnh đào tạo đáp ứng nhu cầu thị trường.
Lao động còn nặng về lý thuyết
Viện Nghiên cứu phát triển du lịch (Tổng cục Du lịch) đã đưa ra dự báo về nhu cầu lao động cho ngành du lịch sẽ tăng lần lượt là 3,12 triệu; 4,59 triệu và 7,02 triệu vào các năm 2020, 2025 và 2030. Bên cạnh lực lượng lao động gián tiếp, thì số lao động trực tiếp phục vụ ngành này sẽ lần lượt tăng là 1,04 triệu, 1,53 triệu và 2,34 triệu lao động vào các năm này.
Song ở thời điểm hiện tại, trong số 1,3 triệu lao động đang phục vụ trong ngành thì chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% từ ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa được đào tạo chính quy, chỉ tham gia huấn luyện tại chỗ.
Trong khi đó, với 20.000 người tốt nghiệp mỗi năm (1.800 sinh viên đại học, cao đẳng, 2.100 sinh viên cao đẳng nghề du lịch, 18.200 học sinh tốt nghiệp các trường trung cấp, 5.000 học viên sơ cấp và đào tạo ngắn hạn dưới 3 tháng) cũng mới chỉ đáp ứng 50-60% nhu cầu thị trường.
Những con số trên đã phần nào phản ánh chất lượng nhân lực ngành du lịch không những thiếu, mà còn rất yếu.
Nhu cầu nhân lực ngành Du lịch và Hàng không đang rất cao, là cơ hội cho
các cơ sở đào tạo nghề.
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó tổng giám đốc Công ty Du lịch TransViet cho biết, đặc thù của ngành du lịch là cần lao động giỏi nghề, thợ thạo việc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong số lao động đã qua đào tạo, rất nhiều lao động thiếu hụt kiến thức thực tế, nặng lý thuyết, nhất là ở các bậc đào tạo đại học. Thời gian đào tạo kéo dài tới 4 năm với lao động ngành du lịch là khá lãng phí.
“Qua nhiều năm hoạt động, tôi nhận thấy, các trường nghề đã rất chú trọng tới giáo trình chuyên đào tạo về nghề, nên lao động ra trường chất lượng tương đối tốt, doanh nghiệp không cần hỗ trợ nhiều. Ở những trường này, doanh nghiệp chỉ hỗ trợ các trường trên phương diện tạo điều kiện cho các hướng dẫn viên đi phụ tour để nắm được kiến thức thực tế. Ngành du lịch cần đem tới trải nghiệm dịch vụ tốt cho khách hàng, do đó, lao động giỏi nghề sẽ đem lại những giá trị rất lớn, trong khi nếu bằng cấp cao nhưng không quen nghề lại tạo nhiều rủi ro trong quá trình đi tour”, ông Đạt nói.
Đây cũng là lý do từ nhiều năm nay, Transviet đã không quá đặt yêu cầu nặng về bằng cấp khi tuyển lao động. Để có đủ lượng lao động đáp ứng nhu cầu thị trường, ông Đạt cũng đề nghị Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mở rộng chỉ tiêu tuyển sinh với các trường đào tạo uy tín, nhận được phản hồi tốt từ doanh nghiệp.
Tín hiệu tốt từ các trường
Trong phân khúc đào tạo nghề du lịch, nhiều doanh nghiệp đã khá quen với Trường trung cấp nghề Du lịch Hà Nội mà Hiệu trưởng là ông Trương Tường Lân, người đã có 22 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lữ hành.
Tiếp nhận Trường trung cấp nghề Du lịch Hà Nội năm 2016, một trường trung cấp nghề tư thục nhỏ, chỉ mới đào tạo 2/4 chuyên ngành được cấp phép, ông Lân xác định, các doanh nghiệp du lịch, khách sạn lưu trú hiện nay không thiếu “thầy”, chỉ thiếu thợ, do đó phải chú trọng đào tạo kỹ năng thợ.
Điều này xuất phát từ quá trình hoạt động nghề, ông nhận thấy, cứ 10 hồ sơ nộp vào doanh nghiệp lữ hành thì chỉ có 3 hồ sơ được nhận, đó là chưa kể trong 3 hồ sơ được nhận còn phải đào tạo lại.
Hiện với 8 ngành phục vụ du lịch và khách sạn với thời lượng đào tạo 70% tại doanh nghiệp, 30% tại trường, Trường trung cấp nghề Du lịch Hà Nội không đáp ứng kịp nhu cầu đặt hàng từ những doanh nghiệp tên tuổi như Vinpearl, Viettel… Trường cũng nhận được nhiều đề nghị chuyển giao công nghệ đào tạo từ nhiều trường nghề.
Bà Nguyễn Thị Xuân, Giám đốc Trung tâm Đào tạo Hàng không, đơn vị trực thuộc Công ty Cổ phần Đào tạo Huấn luyện Nghiệp vụ Hàng không cùng Hiệu trưởng Phạm Xuân Khánh tại buổi làm việc (Ảnh: VNAS)
Gần đây, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội đã ký kết hợp tác với Công ty cổ phần Đào tạo huấn luyện nghiệp vụ hàng không Việt Nam (VNAS) để tổ chức tuyển sinh, đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao cho ngành hàng không, trực tiếp cung ứng nhân lực cho các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airway, Jetstar Pacific... VNAS cũng đào tạo và hỗ trợ giáo viên nhà trường trong xây dựng chương trình đào tạo ngành hàng không.
Cùng mục tiêu phục vụ ngành hàng không, Trường cao đẳng Công nghệ cao Hà Nội cũng vừa ký kết hợp tác với Đại học Hàng không vũ trụ Thẩm Dương (SAU) để xúc tiến hợp tác thành lập một trung tâm công nghệ nghiên cứu và sản xuất linh kiện liên quan đến máy bay không người lái và đào tạo giảng viên, sinh viên các kiến thức liên quan đến lĩnh vực máy bay không người lái./.
Hải Hà-baodautu.vn/
(Ảnh bìa: Truyền thông VNAS)
Bài viết liên quan
Mời tham cộng tác viên khai thác tuyển sinh
2020-03-22 16:19:57
Giải pháp, chiến lược hoạt động trong bối cảnh dịch Covid -19
2020-03-24 11:27:35
VNAS với chiến lược “lội ngược dòng”
2020-03-24 11:35:38
Đơn vị
Tin mới
- VNAS ĐÓN NHẬN CHỨNG NHẬN HỆ THỐNG QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG ISO 9001:2015(2024-11-20 15:22:31)
- TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP, CHỌN NGHỀ CHO HỌC SINH THPT PHAN BỘI CHÂU(2024-11-13 19:42:17)
- VĂN PHÒNG TUYỂN SINH HẢI DƯƠNG HƯỚNG NGHIỆP NGHỀ CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT NGUYỄN DU(2024-11-08 22:39:01)
- TƯ VẤN HƯỚNG NGHIỆP CHO HỌC SINH TRƯỜNG THPT VŨ NGỌC PHAN(2024-11-07 20:15:48)
- VIETJET TUYỂN DỤNG NHÂN VIÊN THÁNG 12/2024(2024-11-06 10:31:45)
- 5 MẸO ĐỂ TỰ TIN TRONG BUỔI PHỎNG VẤN(2024-10-28 13:14:05)
- HƯỚNG NGHIỆP VỚI CHỦ ĐỀ “CƠ HỘI NGHỀ NGHIỆP NGÀNH HÀNG KHÔNG” CHO HỌC SINH THPT HUYỆN VĨNH LINH(2024-10-26 17:04:59)
- LÀM THẾ NÀO ĐỂ HỌC TIẾNG ANH THI TUYỂN NGÀNH HÀNG KHÔNG KHI BỊ MẤT GỐC?(2024-10-24 10:31:25)
- TÂM LÝ KHI ĐỐI DIỆN VỚI THẤT BẠI TRONG THI TUYỂN - ĐỪNG TỪ BỎ, THÀNH CÔNG ĐANG CHỜ ĐỢI BẠN! (2024-10-24 10:24:55)
- KHÓA HỌC TÂM LÝ HỌC TỘI PHẠM(2024-10-21 10:05:15)
Copyright © 2020 CÔNG TY CP ĐÀO TẠO HUẤN LUYỆN NGHIỆP VỤ HÀNG KHÔNG VIỆT NAM